(ĐSPL) - Cựu Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Từ Tài Hậu, đã bị khai trừ Đảng và có thể phải ra tòa án binh.
Từ Tài Hậu, 71 tuổi, từng là thành viên Bộ Chính trị từ 2007 cho đến khi nghỉ hưu cuối năm 2012. Truyền thông Trung Quốc nói ông sẽ bị giao cho phía công tố để chuẩn bị đưa ra xử ở tòa án binh. Có tin nói ông đã bị quản thúc tại gia từ mấy tháng qua.
|
Hai Ủy viên Bộ Chính trị Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai trong kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2012. Hiện thời, Bạc Hy Lai đã bị bỏ tù, còn Từ Tài Hậu bị khai trừ đảng. |
Tân Hoa Xã đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp ở Bộ Chính trị về kỷ luật quân đội và thông qua quyết định khai trừ tướng Từ Tài Hậu.
Hai nhân vật cao cấp cũng bị khai trừ khỏi đảng vì tham nhũng vào hôm 30/6 là Tưởng Khiết Mẫn, từng đứng đầu ủy ban giám sát các công ty nhà nước, và Vương Vĩnh Xuân, cựu phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Hàng chục ngàn quan chức đã bị bắt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng năm 2012. Ông Tập cảnh báo rằng sự sống còn của Đảng Cộng sản bị đe dọa bởi vấn nạn tham nhũng và hứa sẽ trị sạch mọi quan chức tham nhũng, bất kể là “hổ” hay “ruồi”.
Có trị nổi “con hổ” Chu Vĩnh Khang?
Cho tới gần đây ông Chu Vĩnh Khang, một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc. Ông được cho là đã trở thành nạn nhân của bộ máy an ninh mà ông có thời từng kiểm soát. Chu Vĩnh Khang thăng tiến nhanh chóng và lên nắm công ty dầu khí lớn nhất của Trung Quốc và sau đó là một tỉnh 80 triệu dân. Sự nghiệp chính trị của ông đạt đỉnh cao với một ghế trong cơ quan quyền lực tối cao của Đảng và kiểm soát bộ máy an ninh nội địa rộng lớn. Ông Chu có thể xem mình là nhân vật mà mọi người sợ hãi nhất.
Chu Vĩnh Khang là con hổ mà ông Tập nhắm đến, nhưng tại sao ông ta lại gây sự với một loài dã thú nguy hiểm như hổ?
Lý do thứ nhất là Tập Cận Bình muốn củng cố quyền lực. Lý do thứ hai là thúc đẩy cải cách vì rất nhiều nhân vật quyền thế có của cải không trong sạch và tất cả bọn họ đều có lợi ích trong việc giữ nguyên hiện trạng. Lý do thứ ba là cải thiện uy tín của ĐCS Trung Quốc và đây là một nhiệm vụ cấp bách.
Tập Cận Bình nắm đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao. Chỉ có Thủ tướng Lý Khắc Cường thuộc về phe phái khác vì ông này là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ. Tỷ lệ sáu chọi một thật sự đã đảm bảo quyền lực của ông Tập và cho phép ông làm bất cứ điều gì ông muốn.”
Khi mà nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, một số quan chức cao cấp đã lợi dụng “đặc quyền, đặc lợi” biển thủ hàng tỷ Nhân dân tệ từ công quỹ. Nhiều người trong số họ che giấu tài sản bằng cách mở tài khoản hoặc mua tài sản ở nước ngoài. Tạp chí tài chính có uy tín Tài Tân đã truy ra một mạng lưới các lợi ích kinh tế mà theo họ đã giúp cho ông Chu trở nên giàu có khác thường.
Cho đến nay, có 40.000 quan chức chính quyền đã bị kỷ luật, 10.000 quan chức khác đã bị cách chức và chính quyền thu hồi được 65 tỷ USD.
Nếu ông Chu đối mặt với các cáo buộc tham nhũng thì ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc bị truy tố kể tư khi ĐCS Trung Quốc lên cầm quyền hồi năm 1949.
Tuy nhiên, một con hổ dù có bị dồn vào chân tường thì vẫn còn móng vuốt và vẫn có khả năng sát thương. Ông trùm an ninh một thời Chu Vĩnh Khang biết tất cả mọi “thâm cung bí sử” và nếu bị tiết lộ thì sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tq-sap-dua-cuu-uy-vien-bo-chinh-tri-ra-toa-an-binh-a38962.html