(ĐSPL) - Thông tin động trời bị rò rỉ trên mạng và sự im lặng của chính quyền về vụ Chu Vĩnh Khang là "chuyện thường ngày... ở Trung Quốc".
Nhân vụ tịch biên tài sản và bắt giữ các thành viên gia đình cùng các cộng sự của "Vua tham nhũng" Chu Vĩnh Khang, nhà phân tích Yakov Berger của Viện Viễn Đông (Nga) bật mí về quá trình thông qua quyết định về vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc này.
|
Người Nga "bật mí" về vụ hạ bệ Chu Vĩnh Khang |
Theo đài Tiếng nói nước Nga, giới chức Trung Quốc đã tịch thu khối tài sản trị giá 14,5 tỷ USD của thân quyến và các cộng sự của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Đó là các tài khoản ngân hàng, trái phiếu Trung Quốc và nước ngoài, 300 ngôi nhà, các tác phẩm nghệ thuật, hơn 60 xe ô tô. Hơn 300 người thân, các đồng minh chính trị, người được đỡ đầu và cán bộ có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang đã bị bắt giữ hoặc bị thẩm vấn. Bản thân ông bị quản thúc tại gia.
Nếu mở phiên toà xét xử vụ Chu Vĩnh Khang, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bỏ qua một "quy tắc bất thành văn" ở Trung Quốc: kể từ giữa thập niên 70 thế kỷ trước, các thành viên đương nhiệm và cựu thành viên Thường vụ Bộ Chính trị không bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, các nhà chức trách chưa nói gì về vụ Chu Vĩnh Khang. Chuyên viên Yakov Berger nói: “Đây là chuyện bình thường, khi chưa thu thập đầy đủ bằng chứng và chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các nhân vật phải đồng thuận. Ngoài ra, cần phải lựa chọn thời điểm thuận lợi nhất. Trung Quốc không bao giờ vội vàng trong những vụ việc tương tự”.
Trước đây, người bảo trợ chính trị cho Chu Vĩnh Khang là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Xem ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được sự đồng thuận của các cựu nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Yakov Berger nói: “Theo tôi, nếu không có sự đồng thuận thì không thể có vụ này. Ông Chu Vĩnh Khang là nhân vật cấp cao. Trước đây chưa có cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến những nhân vật cấp cao như vậy. Chưa có trường hợp nào một thành viên Bộ Chính trị bị kỷ luật hoặc truy tố hình sự. Do đó phải có sự đồng thuận trong ban lãnh đạo Trung Quốc, mà trong đó có đại diện các nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có người bảo trợ chính trị, thường không phải trong ban lãnh đạo hiện nay mà là trong thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm”.
Đôi nét về "ông trùm" Chu Vĩnh Khang
Trong suốt sự nghiệp của mình, Chu Vĩnh Khang đã góp phần phát triển nhiều mỏ dầu lớn của Trung Quốc như Đại Khánh, Liaohe, Shengli và những mỏ khí đốt khổng lồ ở Tarim và Tứ Xuyên. Sau khi trở thành người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Chu Vĩnh Khang bắt đầu củng cố và mở rộng quyền lực kinh tế.
Sự nghiệp chính trị của Chu Vĩnh Khang cũng lên “như diều gặp gió”. Chu Vĩnh Khang trở thành Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên vào năm 1998-1999, thời kỳ bộ này được kiểm soát toàn bộ giấy phép khai mỏ và sử dụng đất của Trung Quốc. Sau đó ông này trở thành Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên. Đến năm 2002, Chu Vĩnh Khang vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung Quốc. Trong giai đoạn 2002-2007, Chu Vĩnh Khang là Bộ trưởng Công an Trung Quốc và trong 5 năm tiếp theo, ông này giữ chức Chủ tịch Ủy ban Pháp luật và Chính trị Trung Quốc, cơ quan đầy quyền lực chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ lực lượng hành pháp và tòa án của nước này.
Trong thời gian Chu Vĩnh Khang giữ vị trí “ông trùm an ninh”, ngân sách dành cho lĩnh vực an ninh nội địa của Trung Quốc có lúc đã vượt quá cả ngân sách quốc phòng.
|
Quan hệ thân thiết với "ngôi sao ngã ngựa" Bạc Hy Lai đã hủy hoại sự nghiệp chính trị của Chu Vĩnh Khang. |
Với tư cách là Bộ trưởng Công an, Chu Vĩnh Khang đã hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch “Đả hắc” của Bí thư thành ủy Bạc Hy Lai nhắm vào các băng đảng tội phạm và làm chấn động giới kinh doanh tư nhân ở Trùng Khánh. Tuy nhiên, chính mối quan hệ thân thiết này đã hủy hoại sự nghiệp của Chu Vĩnh Khang, sau khi Bạc Hy Lai bị “ngã ngựa” vào tháng 3/2012. Đây cũng là thời điểm Chu Vĩnh Khang phải nghỉ hưu và vây cánh của ông lần lượt bị loại trừ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-nga-bat-mi-ve-vu-ha-be-chu-vinh-khang-a27807.html