(ĐSPL) - Theo ông Ramos Horta - một quan chức Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có thể không giải quyết vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.
TQ có thể giải quyết vấn đề biển Đông ngoài khuôn khổ UN |
Cựu Tổng thống Đông Timo Ramos Horta - người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1996- cho biết Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và có thể chọn một diễn đàn thay thế Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp biển đảo.
Trong một cuộc phỏng vấn với Angie Lau trên kênh truyền hình Bloomberg, ông Ramos Horta - đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Guinea-Bissau, Tây Phi - nói nếu Trung Quốc "không chấp nhận khuôn khổ Liên Hợp Quốc, nước này có thể tìm kiếm một phương thức khác - nơi mà tất cả các nước có thể ngồi vào bàn đàm phán và trình bày quan điểm". Ông nói thêm:“Trung Quốc, Philippines và Việt Nam sẽ không bao giờ từ bỏ những tuyên bố chủ quyền của mình, vì thế các nước này nên cùng nhau khai thác chung nguồn tài nguyên trong khu vực”.
Theo ông Horta, các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau đã châm ngòi các cuộc đối đầu căng thẳng trên biển và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực có tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới.
Philippines năm ngoái đã tìm kiếm trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn bác bỏ nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết xung đột và vài tháng gần đây, Trung Quốc tiếp tục khẳng định nước này không công nhận UNCLOS như là một cơ chế để giải quyết tranh chấp.
Ông Ramos Horta |
Bản đồ "đường lưỡi bò" và đàm phán song phương
Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông dựa trên cơ sở "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) mà chính quyền Tưởng Giới Thạch tự vẽ trên bản đồ năm 1947, trong đó tuyên bố 90\% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Hoa dân quốc. "Đường 9 đoạn" vô cớ này chồng lấn lên các vùng biển mà Việt Nam và Philippines tuyên bố là chủ quyền theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Phía Trung Quốc luôn kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan.
"Người Trung Quốc không mấy 'mặn mà' với UNCLOS mặc dù họ đã cam kết để đi đến một bộ quy tắc ứng xử chung với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”, ông Willy Wo-Lap Lam, giáo sư trợ giảng tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Hong Kong cho biết.
Giáo sư Willy Wo-Lap Lam cũng cho biết thêm trong khuôn khổ đàm phán song phương, Trung Quốc chính là bên đắc lợi. Ông nói: "Sẽ là cuộc đàm phán song phương bất bình đẳng bởi vì Trung Quốc là một 'bán siêu cường', trong khi Việt Nam và Philippines là những nước nhỏ".
Cựu Tổng thống Ramos Horta nhận định lịch sử "nhục nhã" của Trung Quốc đã khiến cho nước này không mấy tin tưởng các quốc gia khác.
Ông Ramos Horta kêu gọi các nước có tranh chấp trong khu vực cần ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp, ở bất kỳ diễn đàn đa phương nào.