Theo báo Dân Trí, trong vài ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tiếp đón khoảng 200 lượt trẻ/ngày đến khám vì đau mắt đỏ, tăng gấp 10 lần lượt khám so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh đang quan tâm và lo ngại cho con mình, trước tình hình bệnh lý đau mắt đỏ tăng lên và lây nhanh trong trường học, gia đình.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm cấp tính của lớp kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi mắt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do Enterovirus. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: Mắt đỏ, đổ ghèn nhiều, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, có cảm giác cộm xốn, đau mắt hoặc ngứa mắt, có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như nổi hạch, sốt.
Thời gian kéo dài của bệnh có thể từ 7-14 ngày, tùy tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị. Các bác sĩ chia sẻ, bệnh đau mắt đỏ thường lành tính và ít dẫn đến biến chứng. Nhưng trong một số trường hợp, viêm kết mạc có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn dẫn đến giảm thị lực.
Trước đó, báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, chiều 14/9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về tình hình đau mắt đỏ thời gian gần đây trên địa bàn.
Theo ghi nhận của Sở Y tế, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Thống kê cho thấy, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13/9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9 (ca có địa chỉ tại thành phố chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12/9).
Để phòng trường hợp dịch đau mắt đỏ bùng phát đặc biệt là ở các trường học, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa. Cụ thể là tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh viêm kết mạc, khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.
Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT và Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao về chủ động tăng cường các hoạt động phòng bệnh viêm kết mạc. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tư vấn kỹ cho người bệnh và người nhà bệnh nhân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú, báo cáo theo quy định.
Sở đồng thời đã chỉ đạo Bệnh viện Mắt và HCDC phối hợp OUCRU thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh viêm kết mạc. Để nắm rõ tình hình dịch nhằm có chỉ đạo, hướng xử lý kịp thời, Sở Y tế vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn tiến của dịch.
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo, người mắc đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất vô khuẩn để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Phương Uyên(T/h)