Tác nhân chính gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM
Báo Tin Tức đưa tin chiều 15/9, Sở Y tế TP.HCM công bố tác nhân chính gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố là Coxsackievirus A24, đồng thời khuyến cáo tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.
Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 chiếm 86%, human Adenovirus 54 chiếm 11% và human Adenovirus 37 chiếm 3%. Đây là những tác nhân gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP.HCM.
Số liệu từ các nghiên cứu trước đây cho thấy, các adenovirus bao gồm hAdV-1, hAdV-2, hAdV-3, hAdV-4, hAdV-7, hAdV-8, hAdV- hAdV-19, hAdV-22, hAdV-37 và hAdV-54 cũng như Coxsackie A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới.
Riêng năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017 - 2019, thuộc nhóm adenovirus (hAdV-3, hAdV-4, hAdV-8 và hAdV-37).
Đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, viêm kết mạc xuất huyết (acute haemorrhagic conjunctivitis - AHC) là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM. Các báo cáo khoa học trên thế giới cũng chỉ rõ, tác nhân chính là nhóm enterovirus, trong đó bao gồm biến thể Coxsackie A24 và EV70.
Được biết, trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác.
Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011, biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm kết mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai.
Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nguyên nhân của đợt bùng phát bệnh viêm kết mạc mắt hiện nay tại địa bàn đã rõ, một lần nữa các chuyên gia Mắt khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.
Uống thuốc huyết áp không đều, người đàn ông nhập viện cấp cứu
Theo thông tin trên VietNamNet, vừa qua một bệnh nhân nam 37 tuổi được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng khó thở nặng, đau ngực, tim đập nhanh 105 lần/phút.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, anh được chẩn đoán tăng huyết áp khoảng 2 tháng qua. Một tuần trước nhập viện, anh thấy sức khỏe dần ổn định nên uống thuốc không đều, có khi bỏ thuốc cả ngày. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tim đập nhanh, ngày càng mệt mỏi, khó thở.
Tại bệnh viện, sau khi đo điện tâm đồ, bác sĩ đánh giá, việc ngưng uống thuốc khiến tần số tim của người bệnh tăng cao quá mức. Anh có thể bị suy tim, nhồi máu cơ tim nếu tình trạng này kéo dài.
GS.TS.BS Trương Quang Bình - nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết huyết áp là áp lực của máu tác động trên thành mạch còn tần số tim là số lần tim đập, co bóp trên mỗi phút.
Khi sử dụng các máy đo huyết áp điện tử thông thường, màn hình sẽ xuất hiện 3 trị số: huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, tần số tim. Người bệnh tăng huyết áp thường nhầm lẫn huyết áp và tần số tim là một, thậm chí bỏ qua tần số tim.
Vì chưa nhận thức đúng về ảnh hưởng của tần số tim nên một số người bệnh chủ quan, không tuân thủ điều trị và đối mặt với biến chứng nguy hiểm.
XEM THÊM: Thói quen tưởng "vô hại" khi ngủ nhưng có nguy cơ làm liệt nửa mặt
Tần số tim bình thường khoảng 60-100 nhịp/phút. Khi tim đập quá nhanh (trên 100 lần/phút), trái tim phải hoạt động nhiều trong thời gian dài khiến tim không còn khoẻ mạnh, có thể dẫn đến suy tim. Nếu tim đập quá chậm với chỉ số dưới 30-40 lần/phút sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở các cơ quan. Nếu thiếu máu não, người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng hoặc ngất.
“Người có tần số tim cao thì nguy cơ tử vong do các biến cố về tim mạch sẽ cao hơn người có tần số tim bình thường. Nếu người bệnh vừa tăng huyết áp, vừa có tần số tim cao thì tỷ lệ xảy ra biến cố tim mạch và tử vong càng cao hơn nữa. Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì huyết áp ở mức dưới 130/80 mmHg, tần số tim ở khoảng 60-70 lần/phút”, GS Bình nói.
Cấp cứu thanh niên vô ý uống thuốc còn nguyên cả vỏ
Theo báo Người Lao Động, TS.BS Bùi Chí Viết - Giám đốc chuyên môn Bệnh Viện Xuyên Á – tỉnh Vĩnh Long (thuộc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á), cho hay nơi đây vừa xử trí cấp cứu một nam bệnh nhân (22 tuổi, ở Vĩnh Long) uống thuốc còn nguyên cả vỏ.
Trước đó, sau ăn cơm trưa, nam thanh niên này đã vô ý uống luôn viên thuốc còn nguyên bao phim. Sau đó, khi nuốt nước bọt bị đau rát họng, nuốt vướng; người này nhanh chóng đến Bệnh Viện Xuyên Á - Vĩnh Long cầu cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã khẩn cấp nội soi kiểm tra và phát hiện một viên thuốc chưa tách vỏ nằm ở 1/3 dưới sát tâm vị. Dị vật ngay sau đó được gắp ra bằng dụng cụ chuyên dụng và qua kiểm tra chưa thấy thực quản tổn thương, tâm vị không viêm loét. Bệnh nhân đã bớt khó chịu, nuốt không vướng sau khi được can thiệp.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc; kiểm tra kỹ ltrước khi uống, tránh tình trạng nuốt phải dị vật rất nguy hiểm tính mạng nếu không được can thiệp, xử trí kịp thời.
Đinh Kim(T/h)