Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin, ngày 8/1, UBND TP.HCM vừa thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 6/1. Theo đó, TP. HCM đã đạt cấp độ 1 của dịch theo nghị quyết 128 của Chính phủ.
Về cấp quận huyện, có 18 địa phương đạt cấp độ 1 gồm quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, chỉ còn 4 địa phương đạt cấp độ 2 là quận 1, 10, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức.
Như vậy, TP. Thủ Đức tăng từ cấp 1 lên cấp 2 và không còn địa phương có cấp độ 3, 4. Có 3 địa phương giảm cấp độ dịch là quận 4, 11, Tân Phú từ cấp 2 xuống cấp 1. Về phường, xã thị trấn, có 235 địa phương cấp độ 1, 74 địa phương cấp độ 2, 3 địa phương cấp độ 3.
Chiều ngày 10/1, tại cuộc họp báo thông tin tình hình phòng chống dịch, theo ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. HCM, trong hơn 3 tháng qua, kể từ khi địa bàn công bố cấp độ dịch, TP. HCM lần đầu đạt cấp độ 1 (vùng xanh), Tiền Phong đưa tin.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch bắn pháo hoa đón Tết Nhâm Dần, ông Phạm Đức Hải cho biết, lãnh đạo Trung ương và thành phố đang cân nhắc, tùy vào tình hình chống dịch để thực hiện. Việc quyết định có bắn pháo hoa đón Tết Nhâm Dần 2022 hay không đang được lãnh đạo Trung ương và TP. HCM cân nhắc, tùy vào tình hình chống dịch để thực hiện.
Lý giải về thành quả đạt được, Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, đợt dịch thứ 4 bùng phát, có ngày quận phát sinh lên cả ngàn ca F0. Trong quá trình thực hiện chống dịch, quận luôn nghiêm túc nhận thức rõ tình hình, trách nhiệm để tìm cách xử lý, tháo gỡ nhưng không tránh khỏi gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân của quận đều quyết tâm phòng chống dịch, với phương châm mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch. Ông Sang cho biết, quận 8 đã đề ra tiêu chí "4 không".
Một là, không để các ca F0 tử vong tại nhà do không được chăm sóc tốt.
Hai là, không để F0 tại nhà không được cấp thuốc.
Ba là, không để các trường hợp khó khăn nào không được chăm lo.
Bốn là, không để mất an toàn, an ninh trật tự trong khu vực.
Cả 4 tiêu chí này đều nhằm mục đích hạn chế thấp nhất tình hình tử vong, cố gắng giữ vùng xanh cho người dân vui đón Tết.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. HCM, cho biết, hiện nay ngoài 310 trạm y tế cơ bản, thành phố lập thêm 391 trạm y tế lưu động. Số trạm y tế lưu động sẽ tăng thêm hoặc giảm dần tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và số F0 đang điều trị tại nhà.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng chi viện, trong đó có lực lượng quân y. Các chiến sĩ quân y đã đảm trách 168 trạm y tế lưu động với 406 người, số lượng tăng, giảm tùy giai đoạn.
Đến Tết Nguyên Đán, lực lượng này sẽ rút quân, nhưng các trạm y tế lưu động sẽ không giải thể mà vẫn duy trì để ứng phó với biến chủng Omicron. Giải pháp duy trì trạm y tế lưu động giúp thành phố chủ động các phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh gia tăng hoặc biến chủng Omicron xâm nhập, lây lan trong cộng đồng.
Bích Thảo(T/h)