Thông tin Vietnamnet, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay, thành phố đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Miễn dịch cộng đồng bắt đầu giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (94%). Tuy nhiên, với xu hướng số ca mắc mới tăng nhanh, không tránh khỏi tình trạng số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Nguyễn Thành Long, Phòng nghiệp vụ y - Sở Y tế, tính đến ngày 23/4, TP.HCM ghi nhận 1.288 ca cách ly tại nhà, tăng 1.136 ca so với tuần trước đó. Một số địa phương có ca cách ly tại nhà cao như TP Thủ Đức (210 trường hợp), quận Bình Thạnh (144 trường hợp), quận 7 (87 trường hợp), quận 12 (81 trường hợp).
Sở Y tế lưu ý các bệnh viện quận huyện trên địa bàn có nhiều ca cách ly tại nhà sẽ gặp áp lực nếu bệnh nhân chuyển nặng. Do đó, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị...
Dựa trên số liệu đến ngày 23/4, phòng chuyên môn của Sở Y tế đã tiến hành phân tích 180 ca COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Trong số này, có 57 ca cần hỗ trợ hô hấp, 5 ca đang thở máy xâm lấn. Về độ tuổi, có 121 bệnh nhân trên 50 tuổi (67,2%), 25 trường hợp trên 80 tuổi, trẻ dưới 15 tuổi (8 ca), trẻ dưới 5 tuổi (5 ca) và thai phụ (5 ca). Trong đó, số bệnh nhân chưa tiêm vaccine ngừa COVID -19 chiếm 30%.
Được biết, chỉ 26/180 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị không có bệnh nền. Số có nguy cơ, mang các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư, hen, bệnh lý mạch máu não... chiếm 86%.
Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ triển khai các giải pháp cụ thể trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, các bệnh viện chủ động rà soát nguồn lực khôi phục hoạt động của khoa/đơn vị COVID-19 trên nguyên tắc 4 tại chỗ. Dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế phù hợp khi có thể xảy ra diễn biến phức tạp.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm hạn chế lây lan trong bệnh viện. Tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, toàn bộ người ra vào bệnh viện phải đeo khẩu trang.
Sở Y tế TP.HCM cũng cung cấp danh sách 10 chuyên gia COVID-19 để các bệnh viện liên hệ trong tình huống cần hỗ trợ chuyên môn.
Các bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện và gửi xét nghiệm giải trình tự gene để đánh giá mức độ nặng nguy kịch.
Đồng thời, Bệnh viện Dã chiến số 13 sẵn sàng được kích hoạt với công suất tối đa 1.800 giường, trong đó 100 giường hồi sức, 1.700 giường bệnh nặng cấp cứu. Bệnh viện này sẽ được kích hoạt khi số ca COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tăng trên 50 ca.
Cũng trong sáng nay, Sở Y tế TP.HCM triển khai 59 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên suốt trong những ngày nghỉ lễ tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Thùy Dung (t/h)