Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF), 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) bị tiểu đường. Gần một nửa người mắc bệnh không biết đang sống chung với bệnh. Theo Diabetes, để hạn chế mắc bệnh tiểu đường hoặc duy trì sức khoẻ ổn định cho người mắc tiểu đường, phần lớn dựa vào chế độ dinh dưỡng.
Dưới đây là những loại thực phẩm mà người bệnh tiểu đường cần hạn chế:
Thịt mỡ hoặc thịt chế biến sẵn
Ăn một lượng nhỏ thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, lợn, cừu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy chỉ ăn 50g thịt đỏ mỗi ngày có thể làm tăng 11% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, giăm bông, xúc xích hoặc thịt bò khô... chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Trong nhiều nghiên cứu, những loại thịt chế biến sẵn dễ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư và bệnh tim nhiều hơn.
Để thay thế thịt chế biến sẵn, bạn nên chọn thịt chứa hàm lượng protein tươi như thịt gà, gà tây, cá ngừ hoặc trứng luộc chín. Protein là nhóm chất quan trọng giúp xây dựng cơ bắp của cơ thể. Bạn nên ưu tiên sử dụng các loại thịt tươi chưa qua chế biến hạn chế mắc bệnh tiểu đường.
Những người bị huyết áp cao cũng nên đặc biệt thận trọng và hạn chế lượng muối ăn vào không quá 2,3g mỗi ngày.
Hoa quả khô và sữa
Hoa quả sấy khô chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và chất xơ, tuy nhiên cũng chứa hàm lượng đường tự nhiên cao sót lại sau khi sấy, làm tăng lượng đường trong máu.
Các sản phẩm từ sữa với đầy đủ chất béo sẽ làm tăng đường huyết trong cơ thể. Ngoài ra, những sản phẩm trong sữa có calo nhiều hơn sẽ khiến cơ thể tăng nguy cơ béo phì.
Bạn nên thay thế bằng các sản phẩm sữa ít béo hoặc sữa không đường. Những loại sữa từ thực vật như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành là lựa chọn lý tưởng cho người mắc bệnh tiểu đường. Khi mua những sản phẩm này, bạn nên chú ý tới bảng thành phần như chất béo thay thế, đường hoặc chất béo bão hòa... chúng đều không tốt cho sức khỏe.
Các loại nước ngọt, nước trái cây và rượu bia
Nhiều loại nước ngọt và nước trái cây có chứa carbohydrate và đường bổ sung.
Một người mắc bệnh tiểu đường có thể uống trà không đường, cà phê và đồ uống không calo cũng như nước lọc. Để tạo hương vị cho nước, hãy thử cho vào một số miếng trái cây.
Đồ uống có cồn cũng có thể chứa đường và carb. Mọi người nên hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, đồ uống có trái cây, rượu tráng miệng.
Một người không nên uống quá 150ml rượu vang, 350ml bia hoặc 45ml rượu mạnh.
Uống nhiều rượu khi đang sử dụng thuốc trị tiểu đường có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết. Các triệu chứng tương tự như say rượu và có thể khó nhận ra.
Đồ ăn đóng gói chế biến sẵn, thức ăn nhanh
Hầu hết các loại bánh ngọt, bánh quy và bánh ngọt đóng gói đều được làm từ đường tinh luyện, bột mì tinh chế và chất béo không lành mạnh. Các loại bánh này cũng chứa một số thành phần hóa học, bao gồm chất bảo quản, chất tạo màu và hương liệu.
Thực đơn chính của thức ăn nhanh gồm bánh làm bằng bột mì trắng, khoai tây chiên, các loại nước ngọt, thực phẩm chiên bọc bột mì... Các loại thức ăn này cung cấp năng lượng quá dư thừa và có chỉ số đường huyết cao, làm tăng đường máu sau khi ăn. Tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh cũng gây hiện tượng đề kháng insulin (insulin resistance) dẫn đến glucose không đi vào trong tế bào được, cứ ở trong máu và gây tăng cholesterol trong cơ thể, khiến bệnh tiểu đường thêm nặng.
Người bệnh tiểu đường cũng nên tránh xa các loại thực phẩm đóng hộp vì có chứa nhiều chất bảo quản gây hại cho sức khỏe.
Cơm trắng
Cơm trắng làm từ các loại gạo đã xay xát kỹ, bị mất lớp vỏ lụa chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ. Khi vào cơ thể, cơm trắng chuyển hóa rất nhanh thành đường, khiến chỉ số đường huyết tăng nhanh. Vì vậy, người bệnh tiểu đường rất hạn chế ăn cơm nhưng không cần kiêng hoàn toàn.
Người mắc tiểu đường có thể ăn cơm vào bữa sáng, ăn ít vào trưa và tối. Trong bữa ăn chính và bữa phụ có thể tăng thêm thịt, cá, rau xanh và trái cây ít ngọt để đảm bảo dinh dưỡng, hoặc ăn gạo lứt, các loại ngũ cốc có lợi khác.
Không nên thay cơm bằng miến rong. Miến gây hấp thu đường vào máu tới 95%, trong khi đó, lượng đường từ cơm gạo hấp thu vào máu chỉ 72%.
Mật ong
Tương tự cơm trắng, người bệnh tiểu đường không cần kiêng hoàn toàn mật ong nhưng chỉ được sử dụng với hàm lượng hạn chế. Mật ong lành mạnh hơn đường trắng song khiến cơ thể hấp thu rất nhanh, làm tăng đường huyết. Vì vậy, người tiểu đường chỉ nên sử dụng lượng mật ong rất nhỏ, đủ nhu cầu của cơ thể và có sự tư vấn của bác sĩ.
Như Quỳnh(T/h)