Công văn đính chính đã kẹp vào hồ sơ để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin trước khi bấm nút thông qua dự án luật vào chiều qua (20/6).
Chiều 21/6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong kỳ họp thứ 3, khối lượng công việc đồ sộ với việc thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự luật với tinh thần là kỳ họp đầu tiên thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Quốc hội tranh luận
Đây cũng là lần đầu tiên các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ “Quốc hội phát biểu” sang "Quốc hội tranh luận” với tinh thần tạo ra một không khí hết sức dân chủ, đổi mới.
“Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ tranh luận giữa đại biểu với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các đại biểu cũng hiểu lẫn nhau. Đây là điều tích cực, rất cần phát huy” – Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, kỳ họp này có điểm mới năm ở sự điều hành rất linh hoạt của chủ toạ, nhất là việc chủ toạ quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận căn cứ vào thời lượng chương trình.
“Ví dụ tại phiên thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ toạ đã quyết định kéo dài đến 18h30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ, có thêm 15 đại biểu phát biểu. Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu tại một phiên họp. Việc mở thời gian tạo điều kiện cho đại biểu phát biểu nhiều hơn” – ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Quốc hội cho hay kỳ họp này Quốc hội cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, dành thời gian nhiều hơn cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề. Đây cũng đổi mới này cần phải phát huy trong các kỳ họp sau.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí |
Về việc 2 dự án Luật là Luật Quy hoạch và Luật Tố cáo (sửa đổi) chưa được thông qua hoặc chuyển ra khỏi chương trình luật thông qua tại kỳ họp 3, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay: Luật Quy hoạch được rút ra khỏi chương trình các luật được thông qua tại kỳ họp này vì qua đánh giá, xem xét thấy còn nhiều vấn đề. Đây là một luật quan trọng, quy hoạch tổng thể của quốc gia, liên quan tới 45-95 luật chuyên ngành, nhưng trong phần hiệu lực thi hành của luật thì viết thời điểm luật có hiệu lực là 1/1/2019. Vì thế, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này, báo cáo Quốc hội xem xét vào kỳ họp sau, đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng luật thông qua rồi lại phải sửa.
Tương tự với Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng vậy, qua phát biểu của các ĐBQH trên nghị trường thấy còn quá nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội quyết định cho kéo dài thêm sang kỳ họp sau để xem xét thấu đáo. Vấn đề này Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến và nhận được đa số đại biểuđồng thuận. Tinh thần của Quốc hội là không chạy theo số lượng luật mà chú trọng đến chất lượng, phải đảm bảo tính khả thi của luật để luật đi vào cuộc sống đồng thời đảm bảo tuổi thọ của luật.
Đính chính trước khi bấm nút thông qua Luật Cảnh vệ
Thông tin đáng lưu ý là Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có gửi văn bản tới các đại biểu Quốc hội đính chính lại khoản 2, Điều 21 của Luật Cảnh vệ.
Theo đó, nội dung tại khoản 2, Điều 21 về Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ như sau: "Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả".
Sau đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh xin phép các vị đại biểu Quốc hội cho thay cụm từ "gây thương tích cho đối tượng" của dự thảo Luật Cảnh vệ bằng cụm từ "Nổ súng vào đối tượng" trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trả lời về thông tin này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trong quá trình kỳ họp vừa qua có 2 đính chính của 2 Ủy ban chứ không phải một văn bản trên.
"Trong quá trình in ấn có thể có nhầm lẫn, thậm chí, văn bản liên quan đến việc xin ý kiến bỏ phiếu kẹp nhầm cả văn bản khác nên chúng tôi phải gửi văn bản xin lỗi", Tổng Thư ký Quốc hội thẳng thắn chia sẻ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, thực tế khối lượng công việc lớn mà thời gian chỉ khoảng một tháng, các cơ quan phải làm việc liên tục, cả thứ bảy, chủ nhật nên không tránh khỏi sai sót nhưng trước khi tiến hành việc chứng thực chuyển cho Chủ tịch Quốc hội ký phải có rà soát kỹ về câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy cho chắc chắn.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho hay trong hồ sơ gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đọc báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội và đại biểu biểu quyết thông qua đã có kèm văn bản đính chính nội dung trên.
Ông Tùng khẳng định công văn đính chính đã kẹp vào hồ sơ trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Đại biểu Quốc hội đã có đầy đủ thông tin trước khi bấm nút, đây là một việc sơ suất trong quá trình hoàn thiện nhưng việc này diễn ra trước khi thông qua luật.
Vì sao Quốc hội có nhiều ghế trống? Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, ngày 13/6, Hà Nội có mưa rất lớn trên diện rộng, gây ngập, tắc nhiều tuyến đường đúng giờ công sở. Các đại biểu Quốc hội có những đoàn di chuyển bằng xe ô tô chung để tới hội trường, trong đó có những đoàn ở khá xa như khu vực Đội Cấn (Ba Đình) hay Tây Hồ..., khi đường ngập, tắc ở nhiều khu vực, một số xe đến chậm so với giờ họp là 8h. Tuy nhiên, việc chậm, muộn này chỉ trong 2 phút. Ngay khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu đôi lời khai mạc phiên chất vấn thì các đoàn đại biểu Quốc hội cũng tới đầy đủ. “Đây là phiên họp được tường thuật trực tiếp, thực sự không đại biểu nào muốn tới muộn, chỉ vì lý do bất khả kháng. Thậm chí, trong phiên chất vấn, đại biểu cũng đều rất muốn đến sớm để còn đăng ký phát biểu, chất vấn, vì nếu đến muộn sẽ không đến lượt” – Tổng Thư ký Quốc hội nói. |
Ngọc Thành