Ngày 21/6 (theo giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi đã bày tỏ lập trường cứng rắn trong bài phát biểu đầu tiên kể từ sau chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan tư pháp Iran, ông Ebrahim Rais sẽ chính thức thay thế vị Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani, người có thành tựu quan trọng trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới, vào tháng 8.
Phát biểu lần đầu trước công chúng, ông Rais tuyên bố: "Bất kỳ cuộc đàm phán nào đảm bảo lợi ích quốc gia chắc chắn sẽ được ủng hộ, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép các cuộc đàm phán chỉ vì lợi ích của đàm phán. Bất kỳ cuộc gặp mặt nào cũng phải đem đến kết quả gì đó cho Iran".
Được biết, ông Rais đắc cử vào thời điểm Iran đang tiến tới giai đoạn đàm phán cuối cùng để nối lại thoả thuận hạt nhân năm 2015. Theo thoả thuận này, Iran chấp nhận hạn chế các chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy các lệnh nới lỏng trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã đơn phương đưa Washington rời thoả thuận này và tăng cường biện pháp trừng phạt, đáp lại động thái trên, phía Tehran cũng tuyên bố sẽ không tuân thủ các điều kiện thoả thuận.
Sau đó, người kế nhiệm ông Trump, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang nỗ lực đưa Iran trở lại thoả thuận hạt nhân trong các vòng đàm phán tại Vienna (Áo) với các quốc gia khác bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong trường hợp cuộc đàm phán dẫn đến việc Washington nới lỏng lệnh trừng phạt với Tehran và 2 nước cải thiện quan hệ đối đầu, Tổng thống đắc cử Ebrahim Rais đã thẳng thừng trả lời "không". AP nhận định, động thái này đã cho thấy trước về đường lối cũng như cách ông Rais đối phó với quốc tế trong tương lai.
Trong bài phát biểu trên, ông Raisi cho biết thêm rằng chính quyền của ông sẵn sàng làm việc để khôi phục lại quan hệ với Ả Rập Xê Út, một trong những "kẻ thù" lớn nhất của Iran trong khu vực.
Mối quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út đã xấu đi rõ rệt vào năm 2016 khi những người biểu tình Iran tấn công các cơ quan ngoại giao của Ả Rập Xê Út sau vụ hành quyết đối với một giáo sĩ Shiite được tôn kính. Hai bên được cho là đã tham gia vào các cuộc đàm phán do Baghdad tổ chức kể từ tháng 4 vừa qua để cải thiện quan hệ.
Theo đó, ông Raisi, người phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ về việc hành quyết các tù nhân chính trị vào năm 1988, đã phủ nhận mình đóng vai trò trong vụ việc trên. Ngoài ra, ông Raisi khẳng định ông là một người bảo vệ nhân quyền.
Minh Hạnh (Theo AFP)