Bắt đầu từ tháng 3/2017, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT chính thức thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên phạm vi cả nước. Những số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra sẽ cung cấp các thông tin để có thể chuẩn đoán chính xác “các bệnh của nền kinh tế”. Từ đó “kê những đơn thuốc” hiệu quả, giúp nền kinh tế lớn mạnh và phát triển.
Mở rộng chỉ tiêu
Theo Tổng cục Thống kê, so với các cuộc tổng điều tra trước đây, số lượng các cơ sở kinh tế trên cả nước đã thay đổi đáng kể, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp giải thể, nhiều đơn vị mới được hình thành, được chia tách. Bên cạnh đó, các ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều, chính vì vậy cuộc tổng điều tra lần này sẽ mở rộng thêm một số chỉ tiêu nhằm đánh giá sâu hơn kết quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như ở mỗi vùng, địa phương.
Đối với khu vực doanh nghiệp, tổng điều tra lần này cũng xem xét tác động chính sách của nhà nước ta đối với các khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động gia công lắp ráp hàng hóa với nước ngoài.
Đặc biệt, tổng điều tra kinh tế năm 2017 có nhiệm vụ quan trọng đó là tính toán những chỉ tiêu thống kê chủ yếu năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 5 năm 2016 -2020 theo nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tính toán GDP của toàn quốc và GRDP của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Nhiều điểm mới
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cơ bản kế thừa nội dung, phạm vi các cuộc Tổng điều tra trước nhằm đảm bảo tính so sánh của số liệu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý và số liệu trong tình hình mới, Tổng điều tra lần này có một số điểm mới:
Trước hết, tổng điều tra kinh tế năm 2017 lần đầu tiên thu thập số liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Mặt khác, do sự phát triển của các hoạt động kinh tế, Tổng điều tra lần này mở rộng thêm một số chỉ tiêu nhằm đánh giá sâu hơn kết quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như ở mỗi vùng, địa phương, các thông tin chuyên đề về gia công hàng hóa với nước ngoài của doanh nghiệp.
Ngoài hoạt động y tế, giáo dục Tổng điều tra kinh tế năm 2017 tách thêm các phiếu điều tra đối với hoạt động, văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông là các lĩnh vực đang phát triển nhanh, nhằm phục vụ yêu cầu đánh giá kết quả xã hội hóa, khả năng phát triển của các hoạt động sự nghiệp đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội;...
Việc công bố thông tin cũng sẽ được thực hiện sớm hơn với nhiều loại ấn phẩm, công bố từng phần theo chuyên đề, nội dung thông tin chi tiết hơn theo ngành kinh tế, khu vực sở hữu.
“Bắt bệnh” chính xác, “kê đơn” hiệu quả
Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng điều tra năm 2017 sẽ tiến hành khâu rà soát danh sách doanh nghiệp để thống nhất con số giữa các ngành kế hoạch đầu tư, thuế và thống kê liên quan đến số lượng doanh nghiệp theo các tình trạng hoạt động thực tế.
Trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017, các nhóm thông tin cơ bản về doanh nghiệp như lao động, kết quả sản xuất kinh doanh sẽ cho biết hiệu quả hoạt động của các khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, FDI, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã.
Ngoài ra việc thu thập thông tin chuyên đề về tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp chế biến chế tạo, gia công, lắp ráp hàng hóa với nước ngoài sẽ cho thấy bức tranh về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước sức ép hội nhập hiện nay.
Các thông tin nêu trên sẽ góp phần đưa ra bức tranh thực về cơ cấu kinh tế nước ta năm 2016 theo ngành và theo vùng kinh tế, tạo điều kiện cho cho các Bộ ngành, các nhà hoạch định chính sách có thêm nhiều nguồn thông tin khi nghiên cứu, xây dựng chính sách giúp cho nền kinh tế nước ta phát triển.
Theo Tổng cục Thống kê, những số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra sẽ cung cấp được các thông tin, số liệu phân tích để có thể chuẩn đoán chính xác “các bệnh của nền kinh tế”. Từ đó “kê những đơn thuốc” hiệu quả, giúp nền kinh tế lớn mạnh và phát triển.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1672/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Theo đó, Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (Tổng điều tra) được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế (trừ các cơ sở cá thể hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản đã thu thập trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016), cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Nội dung Tổng điều tra gồm 6 nhóm thông tin: 1- Thông tin chung về cơ sở; 2- Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; 3- Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; 4- Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; 5- Thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp; 6- Thông tin chuyên đề về doanh nghiệp. |