Trong cuộc trò chuyện với báo ĐS&PL, Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã có những chia sẻ thú vị về đêm khai mạc vô cùng ấn tượng của Lễ hội Cà Phê Buôn Mê Thuật lần thứ 7.
Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam. |
Anh đã chọn những hình ảnh, âm thanh đặc trưng nào của Tây Nguyên để đưa vào chương trình?
Hình ảnh thân thuộc của Tây Nguyên mà ai cũng nghĩ đến ngay là những người đồng bào mặc trang phục thổ cẩm cùng nhau múa điệu xoang, cùng đánh cồng chiêng quanh đống lửa trước nhà Dài với cây Nêu. Đó cũng là hình ảnh của những sơn nữ mang gùi trên lưng lên rẫy, là các già làng kể chuyện sử thi, là các đàn voi dũng mãnh thân thiết như người bạn với con người Tây Nguyên. Thiên nhiên nơi đây cũng là đề tài rộng lớn với bạt ngàn núi non, sông hồ thác suối…
Về âm thanh, tôi đã cố ý sử dụng các nhạc cụ, đạo cụ truyền thống của Tây Nguyên chủ yếu vào các bản phối, nhưng phân bổ theo ý tứ của tiết mục để tạo nên sợi dây kết nối với khán giả. Những bộ đàn dây, bộ gõ… đặc sắc mang thương hiệu Tây Nguyên sẽ được hoà âm phối khí theo phong cách mới mẻ, hiện đại để kể một câu chuyện huyền thoại về tứ thần trong “tứ đại” Đất – Nước – Gió – Lửa.
Dẫn dắt cho nhân vật “nữ thần cà phê” sinh trưởng. Trong các bản phối sẽ kết hợp các thanh âm giọng nói, tiếng nói của đồng bào Tây Nguyên trong đời thường sinh hoạt cuộc sống, cả trong một số nghi thức lễ mang tính tâm linh. Ban nhạc hoà tấu các nhạc cụ Tây Nguyên cũng sẽ phô diễn mộc mạc, “phiêu” trong một phần trình diễn áo dài…
Núi rừng Tây Nguyên được tái hiện sống động trên sân khấu. |
Chương trình có quy tụ nhiều ca sĩ trẻ: Hiền Hồ, Khổng Tú Quỳnh, Phương Anh Bolero sở trường là dòng nhạc ballad, bolero anh đã dàn dựng các tiết mục này như thế nào để phù hợp với chất nhạc đầy “lửa” của Tây Nguyên?
Các ca sĩ được chọn trong chương trình phần lớn đều có “duyên nợ” cùng Tây Nguyên. Họ là những người con sinh ra và lớn lên tại đây, có khi gắn bó phát triển nghiệp duyên từ đây. Các cô gái xinh đẹp sẽ thể hiện Tây Nguyên ở một góc độ khác với “lửa” rực cháy thường thấy, đó là Tây Nguyên êm đềm, nên thơ, dịu mát và rất mênh mang.
Phần “lửa” của Cao nguyên sẽ được thể hiện qua giọng ca Tuấn Hưng với bản phối hoàn toàn mới Ngọn lửa cao nguyên. Đặc biệt là ca khúc Tinh hoa đại ngàn được nhạc sĩ Nguyễn Cường, thơ Gia Duẫn tâm huyết lần đầu tiên dành tặng cho Festival cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 này, ca khúc được Kasim Hoàng Vũ thể hiện đầy nội lực.
Đêm khai mạc của Lễ hội cà-phê Buôn Mê Thuột lần thứ 7 nhận được nhiều lời tán dương. |
Những hình ảnh quen thuộc này đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. |
Thông điệp mà anh muốn gửi gắm qua chương trình lần này?
“Đăk Lăk – Điểm đến của cà phê thế giới” là thông điệp chương trình muốn gửi gắm. Với những tinh hoa vốn có từ con người, vùng đất, sản vật…Với những điều mời gọi, quyến rũ và đậm đà như thế. Hãy đến với Đăk Lăk, đến với Buôn Ma Thuột, đến với cao nguyên đại ngàn, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc cho một hành trình trải nghiệm!
Cảm nhận của anh về cà phê và con người Tây Nguyên?
Con người Tây Nguyên chắc chắn là thứ “đặc sản” quý nhất, theo tôi nghĩ là vậy, bởi con người Tây Nguyên tạo nên sắc màu và cái hồn của mảnh đất này rất đậm nét. Sự lãng mạn, bay bổng nghệ thuật, sự đam mê, bùng nổ, mãnh liệt, sự hồn nhiên và tinh khôi, tinh thần sảng khoái…Có quá nhiều tính từ để miêu tả nhưng khó để diễn tả bằng lời. Hãy uống cà phê Buôn Ma Thuột, nghe âm nhạc Tây Nguyên và ngắm sông hồ, núi rừng và thác suối để cảm nhận tất cả những điều ấy!
Về cà phê, tôi thích uống cà phê đen. Cà phê đen nguyên vị, nguyên sắc màu có thể cảm nhận đủ đầy cả bằng thị giác, vị giác, khứu giác và “tâm” giác nữa! Cảm giác uống ly cà phê đen Tây Nguyên vào thấy tâm hồn mình đằm lại, nhưng mở rộng hơn để chiêm nghiệm. Cái vị đắng, vị ngọt của nắng gió, mưa núi, của lửa được tạo hoá và con người tài hoa “nêm nếm” rất ý nhị và dễ làm lưu luyến ở hậu vị ngân nga lan toả của mỗi ngụm cà phê.
Chủ đề Tinh hoa đại ngàn đã được Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam khắc họa vô cùng hấp dẫn. |
Lê Anh
* Bài báo giấy Đời sống & Pháp luật số 40