(ĐSPL) - Tất cả các cuộc gọi về số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Hải quan sẽ được ghi âm, lưu trữ và quản lý theo chế độ mật, khẩn. Đảm bảo giữ bí mật về danh tính, số điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh qua đường dây nóng.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng đường dây nóng và tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng”, có hiệu lực từ ngày 15/11.
Theo Tổng cục Hải quan, đường dây nóng hoạt động thông suốt, liên tục 24/24h trong ngày và 7 ngày trong tuần. Tất cả các cuộc gọi qua số điện thoại đường dây nóng được ghi âm, lưu trữ và quản lý theo chế độ mật, khẩn. Đảm bảo giữ bí mật về danh tính, số điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh qua đường dây nóng.
Chỉ có công chức được giao quản lý, sử dụng đường dây nóng mới được sử dụng để tiếp nhận và xử lý tin báo, nghiêm cấm sử dụng đường dây nóng vào mục đích cá nhân.
Theo Tổng cục Hải quan, việc áp dụng và công bố đường dây nóng nhằm nâng cao kỷ luật kỷ cương khi thi hành công vụ và phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu; Hỗ trợ có hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Quy chế cũng quy định rõ những đơn vị quản lý, sử dụng đường dây nóng và tiếp nhận tin báo qua đường dây nóng. Cụ thể, tại Tổng cục Hải quan: Đường dây nóng do Cục Điều tra chống buôn lậu quản lý sẽ tiếp nhận những tố giác, tin báo về tội phạm và hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; Vụ Thanh tra- Kiểm tra sẽ tiếp nhận những tố giác, tin báo về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp nhận những tin báo liên quan đến thủ tục hải quan.
Đường dây nóng do các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các chi cục và tương đương tiếp nhận tin báo thuộc thẩm quyền về: tố giác, tin báo về tội phạm và hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và những tin báo liên quan đến thủ tục hải quan.
* Nghị định số 20/2008/NĐ-CP Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính Điều 8. Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị 1. Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. 2. Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ. 3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 4. Đối với hình thức phản ánh, kiến nghị thông qua Phiếu lấy ý kiến, cơ quan hành chính nhà nước nào gửi Phiếu lấy ý kiến thì cơ quan đó tiếp nhận. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Nhân Văn
Video đang được xem nhiều nhất:
[mecloud]ph8IEb5Umv[/mecloud]