"Tôi nói, BOT chắc chắn ảnh hưởng đến người nghèo. Còn ông Nguyễn Đức Kiên nói thế, tôi không đồng tình. Thực tế, nhiều nơi đặt trạm BOT mà dân không đi qua vẫn phải đóng tiền", PGS.TS Đặng Đình Đào đưa quan điểm.
Sau phát ngôn dậy sóng dư luận “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo”, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trả lời một số báo “không bênh BOT mà bênh cái phải”. Song dường như “thanh minh” trên cũng không làm yên dư luận.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề thấu đáo, toàn diện.
GS.TS Đặng Đình Đào. |
"Tôi nói, BOT chắc chắn ảnh hưởng đến người nghèo. Còn ông Kiên nói thế, tôi không đồng tình. Thực tế, nhiều nơi đặt trạm BOT mà dân không đi qua vẫn phải đóng tiền. Họ làm được 50.000 đồng mà phải đóng các loại phí đến 70.000-80.000 đồng thì lấy đâu ra.
Ông Kiên nói vậy là không có cơ sở, hoàn toàn không thỏa đáng. Tôi nghĩ, một ĐBQH thì không nên có những phát biểu vội vàng", GS.TS Đào nêu quan điểm.
"Ngay cả giải thích của bộ GTVT xung quanh vấn đề BOT tôi cũng thấy không thực tế. Đáng lẽ ra phải nhìn thẳng vào sự thật để có chính sách, biện pháp xử lý hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. 100% dự án BOT là chỉ định thầu, vậy, có tình trạng các địa phương, doanh nghiệp tặng biếu xe tiền tỷ rồi đợi đến thời điểm chỉ định thầu sẽ trúng hay không? Dư luận có quyền nghi ngờ. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý đến nơi đến chốn, đừng để người dân mất lòng tin, mọi việc sẽ rất phức tạp. Riêng với các lùm xùm quanh dự án BOT thời gian qua, tôi thấy bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính", ông Đào nói.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: "Thiết nghĩ tốt nhất, ông Kiên nên có ý kiến về lời phát biểu của mình. Rút lại hay không là quyền của ông nhưng nên nhìn vấn đề thấu đáo, toàn diện, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân để mọi việc hài hòa.
BOT là chủ trương đúng đắn, các nước cũng đã làm rất tốt. Nhưng ở Việt Nam, có hiện tượng trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đặt trên lợi ích toàn cục, do đó, BOT trở nên méo mó, chất lượng kém, ảnh hưởng đến người dân.
Cũng như với dự án đóng tàu vỏ thép ồn ào thời gian qua, bản chất Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là quá tuyệt vời, nhưng đã bị lợi dụng. Cứ hễ có chủ trương là nghĩ ngay đến kiếm chác, tư duy này hằn sâu vào một nhóm lợi ích nào đó, rất nguy hiểm. Chính điều này làm méo mó những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có BOT".
Cũng liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia đề nghị không nêu tên nêu quan điểm: “Ai cũng có nhận thức đúng, chưa đúng nên cần được thông cảm. Nhưng rõ ràng, nguồn chi trả BOT nhà đầu tư chỉ ứng vốn, người dân phải nộp phí. BOT không phân biệt người giàu, người nghèo, ai đi qua cũng phải trả phí. Với người nghèo, việc trả phí càng khó khăn hơn, nhất là trong điều kiện bươn chải mưu sinh chưa đủ. Tôi cũng không hiểu vì sao ông Kiên lại phát biểu như vậy".
"BOT là chủ trương đúng đắn, trong điều kiện ngân sách eo hẹp càng cần kêu gọi đầu tư các công trình BOT. Nhưng dù thế nào, nói “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo” cũng nên suy nghĩ lại. Tuy nhiên, đó là chuyện của cá nhân ông Kiên, vì bản thân ông cũng là người đi giám sát BOT”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dương Thu