+Aa-
    Zalo

    Cô nhân viên thu phí BOT xinh đẹp và những lần gặp phải tài xế "quái"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với những nhân viên làm việc tại trạm thu phí BOT, ngoài việc phải thường xuyên “ăn chửi” từ khách hàng, họ còn phải chịu đựng cảnh ngồi trong cabin nóng như “lò bát quái

    Với những nhân viên làm việc tại trạm thu phí BOT, ngoài việc phải thường xuyên “ăn chửi” từ khách hàng, họ còn phải chịu đựng cảnh ngồi trong cabin nóng như “lò bát quái”. Nhiều hôm, trời nắng như đổ lửa, muốn nghỉ ngơi, nhưng cũng phải ráng đợi đến lúc tan ca...

    Bị “ăn chửi” thường xuyên

    Đến trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội), PV báo ĐS&PL như cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, nhanh chóng của các nhân viên BOT tại đây. Họ làm việc luôn tay không ngừng nghỉ dù cho đồng hồ đã điểm 12h.

    Vừa hoàn thành công việc sau một ca làm việc, cô gái trẻ xinh xắn Trương Yến Ngọc (SN 1992) trở lại phòng nghỉ ngơi và dành thời gian trò chuyện với PV. Mở đầu buổi trò chuyện, Yến Ngọc vui vẻ nói về cơ duyên mình đến với nghề.

    Nữ nhân viên thu phí trậm BOT - Trương Yến Ngọc.

    “Khi đó, tôi được bạn bè giới thiệu nên cứ nộp hồ sơ ứng tuyển chứ trong đầu chưa hề có một chút khái niệm nào về công việc, chỉ nghe kể rằng mỗi lần đi qua trạm thấy nữ nhân viên nở một nụ cười tươi trên môi. Thấy thú vị và muốn được trải nghiệm nên tôi quyết định xa gia đình lên Hà Nội làm việc”, cô kể.

    Khi làm nhân viên thu phí BOT, Yến Ngọc không nghĩ rằng mình sẽ theo nghề lâu dài, nhưng đến thời điểm hiện tại cô đã có 2 năm kinh nghiệm. Với cô gái trẻ này, thời gian qua làm việc tại trạm thu phí BOT, cô đã học hỏi được rất nhiều điều.

    Chia sẻ về những khó khăn, Yến Ngọc bày tỏ rằng nghề nào cũng có những nỗi nhọc nhằn, vất vả riêng. Nhưng với công việc này bị tài xế mắng chửi, phàn nàn hoặc bị trêu chọc là chuyện như cơm bữa.

    Nữ nhân viên xinh xắn bộc bạch: “Nếu thoạt nhìn vào mọi người sẽ nghĩ công việc này chẳng có gì vất vả, chỉ việc ngồi trong cabin, xe đi qua thì đưa thẻ xe, đưa tiền thừa cho tài xế là được. Nhưng chỉ những người trong nghề mới hiểu, làm việc này đòi hỏi phải tập trung cao độ, nhanh tay. Mỗi chiếc xe đi qua trạm BOT họ chỉ dừng lại một vài giây hoặc vài chục giây, nếu nhân viên không đưa vé xe nhanh sẽ dẫn đến tắc đường, người phía sau bấm còi inh ỏi, thậm chí không ít người chửi chúng tôi thậm tệ”.

    Còn đối với nam nhân viên Nguyễn Thanh Tùng (SN 1993, quê Nam Định) thì công việc thu phí BOT đến với anh một cách tình cờ. “Khi mới vào nghề, chưa quen việc nên tôi gặp không ít khó khăn, thậm chí thấy áp lực trong việc phải làm sao đưa được vé và thanh toán tiền thừa cho tài xế một cách nhanh nhất. Thời gian trôi đi, được sự hướng dẫn nhiệt tình của các anh chị đi trước, tôi dần quen với công việc”, Thanh Tùng cho biết.

    Trải lòng về công việc thường nhật, Tùng nói: “Làm việc tiếp xúc với nhiều khách hàng, chúng tôi gặp không ít những tình huống tai bay vạ gió. Đôi khi là những lời nói mỉa mai, xúc phạm của người đi đường”.

    Thanh Tùng nhớ lại: “Có tài xế đến chỗ tôi trước nhưng cố tình chơi khó bằng việc trả tiền lẻ hoặc đưa một tờ tiền quá lớn khiến tôi phải vất vả đếm tiền đưa lại. Khi thấy xe dừng lại quá lâu những người tài xế phía sau bấm còi, lăng mạ nhân viên thu phí. Dù rất giận nhưng chúng tôi vẫn phải nhẫn nhịn”.

    Cũng như Yến Ngọc, Thanh Tùng, cô gái Nguyễn Thị Minh Thúy (SN 1996) từng có 2 năm gắn bó với nghề cũng không giấu nổi những trăn trở: “Thi thoảng tôi cũng gặp những tài xế khó tính, hoặc say xỉn dùng những lời lẽ khiếm nhã với nhân viên BOT. Cách phàn nàn của họ khiến chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương”.

    Khóc cười với cabin

    Hai năm theo nghề, Minh Thúy trải qua không ít kỷ niệm vui buồn nhưng cô gái trẻ này luôn tâm niệm phải nhẫn nhịn, quên đi điều không vui để hoàn thành tốt công việc: “Công việc của chúng tôi làm theo ca từ 6-8 tiếng, thay phiên nhau, nếu hôm nay làm ngày thì mai lại làm ca đêm. Trong quá trình làm ca đêm, cũng có một số lái xe uống rượu say đi đến trạm thu phí cứ đòi xin số điện thoại hoặc trêu tôi không đi. Để giảm thiểu ách tắc lúc đó tôi phải đọc bừa một số điện thoại khác cho tài xế đi qua khỏi làn thu phí”.

    Còn với Yến Ngọc, mỗi khi nhắc về kỷ niệm vui cô gái xinh đẹp nở nụ cười tươi và cho biết chuyện tài xế đi qua trêu đùa, hoặc đòi xin số điện thoại không chỉ có cô mà những nữ nhân viên BOT khác là chuyện bình thường: “Không chỉ những người có ngoại hình xinh mới bị tài xế “khủng bố”, đòi xin số mà ai cũng có thể rơi vào tình huống dở khóc dở cười này”.

    Yến Ngọc nhớ lại: “Có lần một tài xế đi qua BOT, nhìn thấy tôi, anh ta nằng nặc xin số điện thoại. Tôi đã khéo léo từ chối, nhưng anh ta vẫn một mực gây khó dễ: “Không cho số, tắc đường là kệ em nhé!”. Khi đó, tôi chống chế rằng: “Anh cứ đi nếu qua trạm BOT này gặp em 3 lần thì em sẽ cho số”. Chưa hết, có những tài xế khi say xỉn cứ đòi cầm tay nữ nhân viên nhưng, chúng tôi đã khéo léo chối từ để không làm mất lòng khách hàng”.

    Theo Yến Ngọc, làm nghề này đòi hỏi người làm phải có “tinh thần thép”, sức nhẫn nhịn nếu không sẽ hỏng việc: “Thường khi nhận những lời khiếm nhã, mình là người phục vụ, vì thế, dù đúng hay sai thì vẫn phải nhẫn nhịn”.

    “Ngoài những lần bị một số tài xế say xỉn, xăm trổ gây sức ép vì thanh toán chậm. Thi thoảng, tôi cũng gặp những nữ tài xế lịch sự, họ dành cho tôi lời cảm ơn và lúc đó tôi thấy công việc của mình làm có ý nghĩa hơn”, Thanh Tùng chia sẻ thêm.

    Nói thêm về nỗi vất vả trong quá trình làm nghề, Yến Ngọc cho hay: “Mọi người chỉ nghĩ chúng tôi ngồi trong cabin thì sướng bởi “mưa không đến mặt nắng không đến đầu”. Nhưng thử tưởng tượng trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời 400 C trong khi đó ngồi ở ngoài này cộng thêm nhiệt độ ở mặt đường bê tông có khi lên đến 50, 600 C và mùi khói bụi, xăng dầu bạn có chịu được không?, còn tôi lúc đó cứ cảm tưởng như đang ngồi trong lò luyện linh đan hay “lò bát quái””.

    Với Minh Thúy, các nhân viên đổi nhau làm theo ca nhưng làm ca đêm cô cảm thấy lo lắng đôi chút về sức khỏe: “Làm ca đêm biết là hại cho sức khỏe nhưng đặc thù công việc là vậy nên đành dặn lòng cố gắng. Có những hôm đi làm đêm về đến sáng là cơ thể mỏi, mệt rã rời vì phải ngồi yên một chỗ, buồn ngủ thì cũng chỉ pha cốc trà, cốc cà phê uống cho tỉnh rồi lại vào guồng công việc”.

    Công việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng còi xe inh ỏi, khói bụi từ xe cộ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Chàng trai Thanh Tùng trải lòng: “Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi nên bị ốm hay mắc các bệnh về đường hô hấp là không thể tránh khỏi. Tôi con trai còn đỡ chứ như một số bạn nữ thỉnh thoảng lại mắc phải những bệnh vặt, đôi khi thấy thương lắm”.

    Hoàng Bích - Vân Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-nhan-vien-thu-phi-bot-xinh-dep-va-nhung-lan-gap-phai-tai-xe-quai-a201785.html
    Sự kiện: Chuyện nghề
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan