+Aa-
    Zalo

    Tôi đi làm báo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, đáng lẽ tôi sẽ là một kỹ sư lập trình. Thế nhưng, duyên phận lại đẩy đưa tôi đến với nghề báo.

    Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, đáng lẽ tôi sẽ là một kỹ sư lập trình. Thế nhưng, duyên phận lại đẩy đưa tôi đến với nghề báo.

    Rẽ ngang

    Từ khi còn là học sinh, tôi luôn nghĩ mình sẽ học công nghệ thông tin để làm một lập trình viên, đeo mác IT. Năm 2012, rời ghế giảng đường với tấm bằng cử nhân Công nghệ thông tin, nếu làm đúng chuyên ngành, tôi sẽ là một lập trình viên hoặc một tester như “ước mơ” trước đó.

    Thế nhưng, cơ duyên lại đưa tôi trở thành Biên tập viên của một trang tin tổng hợp. Nhờ có công nghệ, các trang tin sẽ tự động “vợt” bài từ các báo điện tử, và công việc của Biên tập viên chỉ là giật lại title, viết lại sapo và sắp xếp lại nội dung trong bài viết gốc.

    Do từng cộng tác với một số nhà xuất bản từ khi còn là sinh viên, nên tôi nhanh chóng làm quen với việc biên tập, tổng hợp tin bài từ các trang báo điện tử.

    Để rồi, 2 năm sau đó (năm 2014) cơ hội trở thành phóng viên đã đến với tôi. Chuyên trang của một tờ báo có tên tuổi đang trong thời gian “thai nghén”. Do có sự cộng tác của công ty tôi đang làm việc và tờ báo đó, tôi được cử sang để biên tập tin bài, update thông tin cho chuyên trang.

    Và rồi, ngày chuyên trang đi vào hoạt động cũng là ngày tôi chính thức trở thành phóng viên của một tờ báo, điều mà chính tôi và cả người thân chưa bao giờ nghĩ tới. Ngay cả đến giờ, sau 6 năm làm báo, gặp lại thầy cô giáo cũ nói chuyện nghề nghiệp ai cũng không nghĩ tôi sẽ đi viết báo. Bởi khi còn đi học tôi học khối A chứ không phải khối C.

    Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, đáng lẽ tôi sẽ là một kỹ sư lập trình. Thế nhưng...

    Một tay ngang sang làm báo, kỹ năng của tôi gần như ở con số 0. Không có kỹ năng tác nghiệp, chưa biết chọn chủ đề, khai thác vấn đề. Song, nhờ sự giúp đỡ của những đàn anh đi trước, của tuổi trẻ không ngại khó khăn, không quản giờ giấc, sẵn sàng đi bất cứ đâu được giao, tôi đã dần làm quen và gắn bó với nghề báo.

    Va chạm đầu đời

    Đó là việc xảy ra vào một ngày cuối tuần trong tháng 11/2014. Khi đó, tôi nhận đề tài từ Ban biên tập liên quan đến một vị quan chức ở tỉnh.

    Do là phóng viên mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đi tác nghiệp ở ngoài tỉnh nên không thông thạo địa bàn. Bởi vậy, tranh thủ ngày chủ nhật, tôi “cưỡi” chiếc Dream của mình rủ một người bạn đi cùng để “thám thính” trước nơi cần đến.

    Sau khi dò hỏi người dân địa phương, tôi xác định được “tọa độ” mà mình cần phải đến. Khi vừa giơ máy ảnh lên để chụp một vài bức ảnh, từ đằng xa có một người phụ nữ dắt xe đạp đã có những lời lẽ khó nghe nhằm về phía tôi. Bà ta còn gọi cả người nhà ra nhằm đe dọa, chặn, giữ không cho tôi đi.

    Lúc đó, tôi bình tĩnh bật máy ghi âm, lấy điện thoại gọi về cho sếp trực tiếp của tôi để báo cáo tình hình, đồng thời gọi cho bạn đang ở bên ngoài đến công an phường để báo về việc giữ người trái phép.

    Sau khi công an phường đến, tôi được các đồng chí công an đưa về trụ sở làm việc. Tai đây, tôi được biết người đàn bà đó là vợ của vị quan chức tỉnh trong đề tài mà Ban biên tập giao cho tôi xác minh.

    Sau khi đưa giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của tòa soạn, các đồng chí công an đã để tôi ra về. Và một điều không ngờ là sau đó, Sở Thông tin và truyền thông của tỉnh đó, không hiểu vì áp lực từ đâu mà ra một văn bản hoàn toàn sai sự thật, trong vụ việc tôi bị vợ quan chức tức giữ người trái luật.

    Sau khi tôi có bản tường trình về vụ việc, dưới sự chỉ đạo của Tổng biên tập, tòa soạn đã có những bài báo đáp lại văn bản sai sự thật của Sở Thông tin truyền thông tỉnh. Để rồi, sở này sau đó phải ra văn bản thu hồi văn bản sai sự thật trước đó.

    Sau vụ việc này, tôi cũng rút ra được nhiều bài học cho riêng mình. Và điều quan trọng nhất, tòa soạn, Ban biên tập luôn sát cánh cùng phóng viên mọi lúc mọi nơi, giúp phóng viên có thể yên tâm công tác.

    Xã hội đen dọa

    Nghề báo có những niềm vui, hạnh phúc và vinh quang, nhưng song song với đó cũng là những vất vả, nhọc nhằn và nguy hiểm, đặc biệt là khi làm điều tra, phản ánh các vụ việc.

    Tôi còn nhớ một tối cuối thu, trong khi đi chơi trên cầu Nhật Tân, vô tình nhìn xuống sông Hồng, tôi thấy những ánh đèn nhấp nháy, và những tiếng động cơ máy nổ. Ban đầu, tôi nghĩ là xuống máy của những người dân đánh cá dưới sông. Thế nhưng, khi quan sát kỹ thì không phải như vậy.

    Ven bờ sông là những sà lan lớn đang hút trộm cát. Việc hút trộm cát này ảnh hưởng rất lớn đối với dòng sông và chân cầu.

    Sau đó, tôi tìm hiểu được một doanh nghiệp nổi tiếng hút trộm cát trên sông Hồng và viết bài phản ánh. Khi bài của tôi được đăng tải vào buổi sáng, thì đến chiều, điện thoại của tôi xuất hiện cuộc gọi đến từ một số máy lạ. Khi vừa nghe máy, câu đầu tiên là một câu chửi bậy của người đầu dây bên kia. Sau đó, người này liên tục có lời lẽ thóa mạ, thậm chí đe dọa cho người “xử” vì viết bài vạch sai phạm của họ.

    Sau 6 năm gắn bó với nghề báo, không ít lần tôi bị đe dọa, có những lúc, gia đình đã khuyên tôi bỏ nghề này để làm công việc khác. Thế nhưng, có lẽ cái nghề “bán chữ” đến với tôi một cách tình cờ, giống như nghề chọn người, và nghề báo đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Nhờ nó, tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

    Giang Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toi-di-lam-bao-a357384.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tôi thử đi làm báo

    Tôi thử đi làm báo

    Ngay từ ngày còn ngồi trên ghế phổ thông, rất nhiều bạn bè tôi đã mơ ước trở thành nhà báo.