Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố bốn bị can, liên quan vụ đoàn xe rước dâu dừng trên đường để chụp ảnh.
Theo cơ quan chức năng, chiều 21-4 tại đường trục Bắc - Nam (xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc), Phạm Đức Hải (thường gọi là Hải "idol") xúi giục một số đối tượng khác cùng thực hiện hành vi sử dụng xe ô tô đỗ xe giữa đường và di chuyển dàn hàng ngang trên đường để chụp ảnh.
Cụ thể, cơ quan công an đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Phạm Đức Hải (sinh năm 1996, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) và Vương Đình Trường (sinh năm 2004, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 2 điều 318 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1999, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) và Phạm Ngọc Phong (sinh năm 1999, trú tại phường Thanh Bình, Hải Dương) bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 điều 318 Bộ luật Hình sự.
Sự việc được nhận định đã gây bức xúc cho những người tham gia giao thông; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư sư Tinh Thông Luật), theo quy định của pháp luật, việc xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật về dân sự.
Theo điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng (đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm).
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng (không áp dụng với pháp nhân thương mại), cụ thể: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.
Đồng thời, theo Điều 17 Bộ luật này thì người xúi giục (là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm) được xem là người đồng phạm trong vụ án. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành (người trực tiếp thực hiện tội phạm).
Như vậy, tùy thuộc và từng hành vi vi phạm cụ thể nếu xét đủ các yếu tố cấu thành tội phạm: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan mà tội gây rối mất trật tự công cộng sẽ bị phạt hành chính hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.