(ĐSPL) - Theo quy định của pháp luật, việc nam nữ làm thủ tục đăng ký kết hôn sau khi cưới có gì khác với đăng ký kết hôn rồi mới tổ chức lễ cưới?
Theo đó, việc kết hôn hiện được quy định cụ thể trong nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch và thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thi hành nghị định trên. Thủ tục đăng ký kết hôn sau khi cưới và trước khi cưới là như nhau.
Tổ chức lễ cưới rồi mới đăng ký kết hôn có hợp pháp? |
Căn cứ Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch và điểm 2 Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 thì hồ sơ hai bạn phải chuẩn bị và trình tự thực hiện đăng ký kết hôn như sau:
Chứng nhận độc thân trước khi đăng ký
- Cô dâu chú rể cần ra phường, xã nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú để lấy bản khai chứng nhận độc thân (theo mẫu quy định của Pháp luật).
- Mỗi người phải điền đầy đủ vào tờ khai riêng của mình, sau đó mang tờ khai kèm chứng minh thư(hoặc hộ chiếu), hộ khẩu thường trú (hoặc tạm trú dài hạn) tới Ủy ban nhân dân phường, xã để người có thẩm quyền cao nhất xác định tình trạng độc thân.
- Đối với những công dân không sống tại quê hương mà làm việc và đăng ký tạm trú tại nơi khác, thủ tục chứng nhận độc thân phải được thực hiện tại quê nhà nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú. Những người Việt Nam sống tại nước ngoài có thể xác nhận tình trạng hôn nhân tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ở nước mà người đó đang cư trú.
- Trong trường hợp người đã kết hôn, nhưng đã ly hôn, khi tới làm thủ tục xác nhận tình trạng độc thân phải mang theo bản án, quyết định có hiệu lực của tòa về việc ly hôn kèm theo giấy đăng ký kết hôn cũ. Với người có chồng hoặc vợ đã mất, người cần chứng nhận độc thân phải mang theo bản sao Giấy khai tử và đăng ký kết hôn.
- Sau khi đã nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường hoặc viên chức Lãnh sự sẽ ký và cấp cho bạn Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong trường hợp cần xác minh trước khi chứng nhận độc thân, bạn sẽ phải đợi trong 5 ngày làm việc.
- Giấy chứng nhận độc thân chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày xác nhận, vì vậy khi quyết định tiến tới hôn nhân và đi đăng ký kết hôn bạn mới nên hoàn thành thủ tục và xin xác nhận.
Nơi đăng ký kết hôn
- Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cô dâu hoặc chú rể đăng ký hộ khẩu thường trú (hoặc tạm trú dài hạn). Khi đăng ký kết hôn, cả hai bạn đều phải có mặt và mang theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết.
Những giấy tờ cần mang theo khi đăng ký kết hôn
+ Giấy chứng nhận độc thân
+ Chứng minh thư hoặc hộ chiếu của cả hai người
+ Hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký tạm trú của cả hai người
+ Nếu một trong hai bạn đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc đã chết, bạn phải nộp bản sao quyết định của tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử.
+ Trong trường hợp một trong hai người không thể có mặt vì những lí do chính đáng, bạn phải chuẩn bị một tờ đơn xin vắng mặt, trong đơn ghi rõ lý do không thể đến, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường nơi người vắng mặt cư trú. Tuy nhiên, bạn cần liên hệ trước với Ủy ban để biết chắc lí do vắng mặt của mình được chấp nhận.
- Từ khi đăng ký kết hôn tới khi có giấy chứng nhận kết hôn thường từ 7 ngày đến 10 ngày.
- Khi tới lấy giấy đăng ký kết hôn, cô dâu và chú rể sẽ ký tên, mỗi người giữ một bản.
Nhận kết quả: Khi đến nhận kết quả, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND phường, xã, thị trấn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì công chức ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn; trao kết quả cho người nhận.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]aTBo6950bG[/mecloud]