(ĐSPL) - Ngày 11/6, Hạ viện Nhật Bản đã ra tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và không áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông.
Tin tức từ VTV cho biết, bản tuyên bố của Nhật Bản nêu rõ “Hạ viện Nhật Bản tuyệt đối không chấp nhận hành vi nào mang tính đe dọa, áp đặt hay sử dụng vũ lực để đòi quyền lợi trên cả vùng biển hai đất liền. Hòa bình, ổn định trên Biển Đông liên quan không chỉ đến quyền lợi của Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng quốc tế và cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại”.
Ngoài ra, Hạ viện Nhật Bản cũng kêu gọi chính phủ nước này tăng cường việc phối hợp với các quốc gia và tổ chức khác trên thế giới, trước hết là với ASEAN và Mỹ để mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, tuyệt đối tránh các hành vi đơn phương có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang.
|
Một phiên họp của Hạ viện Nhật Bản |
Trước tình hình Biển Đông hiện nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố, ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo báo Tin Tức, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 10/6 cho biết, Tổng thư ký Ban Ki-moon sẵn sàng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải tranh chấp biển nếu các bên liên quan yêu cầu sự hòa giải từ Liên Hợp Quốc. Ông Ban Ki-moon cũng hy vọng tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cùng ngày 10/6, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trung đã bác bỏ bản tuyên cáo của Trung Quốc với nội dung "vu vạ" Việt Nam.
Thông tin từ báo VnExpress cho hay, trong cuộc gặp với trong cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc John Ashe, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung khẳng định, các tài liệu của Trung Quốc đang lưu hành tại LHQ không có cơ sở pháp lý quốc tế.
AP đưa tin, Đại sứ Lê Hoài Trung đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 100 tàu ra khỏi Biển Đông nhằm tạo “môi trường” cho các cuộc đàm phán.
|
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trung |
Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam có “bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định quyền chủ quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981". Ông tuyên bố việc Bắc Kinh từ chối đàm phán là một động thái khiêu khích và làm gia tăng “lo ngại”.
Về vấn đề chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông, tuần vừa qua, Thẩm phán tòa án tối cao của Philippines Antonio Carpio đã đưa ra những tấm bản đồ cổ cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
|
Được khắc trên đá ở Fuchang năm 1136 sau công nguyên thời nhà Tống, bản đồ này có tên “Hua Yi Tu” được công bố vào những năm 1900. Tấm bản đồ chỉ ra rằng, đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. |
Trong bài diễn văn gần đây, Thẩm phán Antonio Carpio đã sử dụng 72 tấm bản đồ cổ, trong đó 15 bản đồ có nguồn gốc Trung Quốc. Tất cả bản đồ đều cho thấy, biên giới phía nam của Trung Quốc kết thúc tại đảo Hải Nam.
“Tất cả những tấm bản đồ cổ này chỉ ra rằng, kể từ khi bản đồ đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện, điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam với tên gọi ban đầu là Zhuya rồi Qiongya và sau đó là Qiongzhou”, Carpio phát biểu.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-bien-dong-ha-vien-nhat-ra-tuyen-bo-ve-bien-dong-a36552.html