Ba Lan nói về điều kiện NATO có thể can thiệp vào Ukraine
Đài RT ngày 29/9 đưa tin Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể đưa quân đội vào lãnh thổ Ukraine nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại đây.
Xuất hiện trên một đài FM địa phương, khi được hỏi về cách NATO sẽ phản ứng nếu Nga sử dụng phương án hạt nhân, Ngoại trưởng Zbigniew Rau nhấn mạnh phương Tây sẽ kiên quyết đáp trả một cuộc tấn công như vậy.
“Nếu điều tồi tệ đó diễn ra, phản ứng của NATO có lẽ sẽ không khác nhiều so với các bước mà Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan vạch ra. Đó có thể là một phản ứng quy ước trên lãnh thổ của Ukraine” - ông Rau giải thích.
Phát biểu trên đề cập lời cảnh báo của ông Sullivan rằng Washington và các đồng minh sẽ hành động một cách quyết đoán nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời cho biết đã liên lạc ở cấp độ cao với Điện Kremlin và cảnh báo rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine sẽ dẫn đến “những hậu quả thảm khốc đối với Nga”.
“Tuy nhiên cần lưu ý rằng động thái như vậy [phản ứng quy ước trên lãnh thổ của Ukraine] là không cần thiết vì chúng tôi có thể sử dụng các loại vũ khí quy ước chẳng hạn máy bay hoặc phóng các tên lửa, không nhất thiết phải từ lãnh thổ Ukraine” - ông Rau cho hay.
Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan cũng phát đi thông điệp rằng NATO sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào ở Ukraine nhưng biện pháp đáp trả của khối này có thể khiến Nga chịu tổn thất lớn.
Các bình luận trên của ông Rau đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước cảnh báo phương Tây rằng những ai sử dụng sự hăm dọa hạt nhân chống lại Moscow “nên biết rằng gió có thể xoay chiều”.
Sau đó, Thứ trưởng Nga Sergey Ryabkov nhắc lại rằng Nga "không đe dọa bất kỳ ai với vũ khí hạt nhân", viện dẫn học thuyết quân sự của Moscow chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa.
Thượng viện Mỹ phê duyệt khoản viện trợ 12 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 29/9, Thượng viện Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ kinh tế và quân sự mới trị giá 12 tỷ USD cho Ukraine.
Quyết định này, được các Thượng nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ nhất trí, ủy quyền cho Tổng thống Joe Biden chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ lấy số vũ khí và vật liệu trị giá 3,7 tỷ USD trong kho của quân đội Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Bên cạnh đó là số tiền 3 tỷ USD để mua vũ khí, vật dụng và tiền lương cho quân đội Ukraine và 4,5 tỷ USD nhằm giúp Kiev giữ ổn định nền tài chính của đất nước cũng như duy trì hoạt động của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ cho người dân Ukraine.
Trước đó, ngày 28/9, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới gồm vũ khí và trang bị cho Ukraine trị giá 1,1 tỷ USD để củng cố các lực lượng của Kiev trong trung hạn và dài hạn.
Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, gói viện trợ mới này bao gồm 18 hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS cùng đạn dược, các hệ thống radar, thiết bị chống máy bay không người lái, 150 xe bọc thép và 150 phương tiện chiến thuật.
Minh Hạnh (T/h)