Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trong 45 ngày
Theo hãng tin Reuters, tình trạng căng thẳng tiếp tục diễn ra giữa Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ, bất chấp việc quốc hội vừa xoay xở thông qua thỏa thuận cho phép chính phủ vận hành thêm 45 ngày.
Điều này do thỏa thuận vừa "giải cứu" chính phủ Mỹ cho đến ngày 17/11 không bao gồm các khoản viện trợ cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden để xuất trước đó. Nếu không đạt được thỏa thuận bổ sung, Mỹ sẽ phải ngừng viện trợ cho Ukraine trong thời gian này.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta không được phép làm gián đoạn ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine", ông Biden nói hôm 2/10. Trong chuyến thăm Washington D.C của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng trước, ông Biden cam kết duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với chính quyền Kiev.
Kể từ chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden và quốc hội Mỹ đã chi hơn 75 tỉ USD tiền hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự cho Ukraine, theo Viện Kiel về Kinh tế thế giới (Đức). Trước diễn biến phức tạp trong nội bộ Mỹ, ông Josep Borrell - Cao ủy chính sách đối ngoại và an ninh EU, khẳng định khối liên minh sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và việc viện trợ không phụ thuộc vào quyết định của Mỹ.
Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc ông Borrell thăm Kiev và chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng EU tại thủ đô Ukraine ngày 2/10. Đây cũng là hội nghị cấp cao đầu tiên diễn ra bên ngoài biên giới của EU. "Tương lai của Ukraine là cùng với EU", ông Borrell nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm qua bác bỏ nghi ngờ cho rằng sự ủng hộ của Washington cho Kiev đang yếu đi. Theo ông, diễn biến đầy kịch tích dẫn đến khoản chi cho Ukraine không nằm trong thỏa thuận ngân sách của Quốc hội Mỹ hôm 30/9 chỉ là "một sự cố" chứ không phải điều gì đó mang tính hệ thống.
Ukraine muốn phương Tây chuyển vũ khí giá rẻ để đối phó UAV Nga
Ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2/10 cho biết, phương Tây cần đánh giá lại phương án viện trợ các hệ thống phòng không cho Kiev.
"Vấn đề không chỉ là bảo đảm nguồn cung vũ khí, mà còn giải quyết bài toán kinh tế. Các tổ hợp tên lửa như NASAMS và IRIS-T có tỷ lệ đánh chặn mục tiêu cao, nhưng dùng chúng để chặn máy bay không người lái (UAV) tự sát kiểu Shahed sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Điều này có thể dẫn tới cạn kiệt kho dự trữ của đồng minh, gây suy yếu năng lực phòng không dài hạn", ông Podolyak nói.
Cố vấn Podolyak nói rằng khí tài đơn giản, giá rẻ sẽ là phương án hiệu quả nhằm đối phó UAV tự sát Nga. Giải pháp rõ ràng là cung cấp những hệ thống sẵn có, đã chứng minh năng lực như pháo phòng không Gepard và tổ hợp chống phi cơ không người lái Vampire, bên cạnh các loại súng máy và pháo hạng nặng.
"Những vũ khí như vậy sẽ hạn chế tối đa tác động của những đợt không kích do Nga tiến hành, bảo đảm ổn định dài hạn trên vùng trời Ukraine cũng như các nước láng giềng thuộc NATO", ông Podolyak cho hay.
Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột (CAR) có trụ sở tại Anh hồi tháng 8 công bố báo cáo cho thấy Nga đã sao chép, cải tiến thành công mẫu Shahed và bắt đầu tự sản xuất phiên bản Geran-2 nội địa. Dây chuyền chế tạo Geran-2 nhiều khả năng đã hoạt động từ tháng 3, sớm hơn một năm so với nhận định của phương Tây, và loại phi cơ này đang tham gia nhiều đợt tập kích mục tiêu tại Ukraine.
Điều này cho phép Nga huy động lượng lớn UAV tự sát để buộc Ukraine tiêu thụ tên lửa phòng không đắt tiền. Mỗi chiếc Geran-2 có giá ước tính 20.000 USD, trong khi tên lửa AIM-120 dùng trong hệ thống NASAMS được phương Tây viện trợ cho Ukraine có giá 500.000 đến một triệu USD.
Phương Uyên (T/h)