Người dân tại nhà máy ở Severodonetsk không được tiếp tế trong 2 tuần
Theo một lãnh đạo ở Severodonetsk, hơn 500 người dân trú ẩn bên dưới nhà máy hóa chất Azot ở thành phố phía Đông Ukraine, đã không được tiếp tế trong 2 tuần.
Cụ thể, ông Roman Vlasenko, người đứng đầu chính quyền quân sự quận Severodonetsk, thông tin: "Có lương thực dự trữ nhưng họ đã không được tiếp tế trong 2 tuần. Vì vậy, các kho dự trữ sẽ không thể duy trì được lâu. Nếu có một hành lang nhân đạo, tôi tin rằng mọi người đã sẵn sàng rời Azot".
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ mở một hành lang sơ tán người dân từ nhà máy Azot vào ngày 15/6 (giờ địa phương). Tuy nhiên, hành lang này chỉ dẫn đến khu vực do Nga kiểm soát ở phía Bắc. Các nhà chức trách Ukraine đã không đưa ra bình luận về đề xuất của Nga.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, người đứng đầu chính quyền quân sự của thành phố Oleksandr Striuk nói rằng việc di chuyển giữa thành phố Lysychansk và Severodonetsk rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được.
Cụ thể, ông Oleksandr Striuk cho biết: "Các con đường sơ tán khá nguy hiểm nhưng vẫn có thể sử dụng được".
Ông nói thêm rằng giao tranh hiện vẫn đang tập trung ở khu vực thành phố Severodonetsk. Ông chia sẻ: "Chúng tôi kiểm soát khu công nghiệp, cung cấp các kết nối với Lysychansk. Tình hình khó khăn, nhưng ổn định".
Ông Striuk cho biết rất khó để ước tính có bao nhiêu người dân còn đang ở trong thành phố hiện nay, chỉ biết rằng khi giao tranh bắt đầu nổ ra, Severodonetsk có khoảng 10.000 cư dân.
NATO hỗ trợ quân sự giúp Ukraine chuyển đổi sang vũ khí hiện đại
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/6 khẳng định liên minh sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine, cung cấp cho họ gói hỗ trợ quân sự có thể giúp quân đội Ukraine chuyển từ pháo binh thời Liên Xô sang vũ khí hiện đại hơn.
Ông Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) trước thềm hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO: "Chúng tôi cực kỳ tập trung vào việc đẩy mạnh, cung cấp nhiều hỗ trợ, vũ khí tiên tiến hơn bởi vì chúng tôi hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại hoạt động của Nga".
Theo tổng thư ký NATO, "sự hỗ trợ thiết thực từ các đồng minh NATO và NATO" sẽ cho phép Ukraine "tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, điều mà các đồng minh NATO đã làm trong nhiều năm nhưng vẫn tăng cường hiện nay".
Ông nói thêm: "Đây là trọng tâm của chúng tôi và là nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine khi chúng tôi trao đổi với nhau".
Ông Stoltenberg cũng cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) trong hai tuần nữa.
Nga tuyên bố đã phá hủy kho vũ khí do NATO cung cấp
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phá hủy một kho vũ khí do các quốc gia NATO cung cấp ở khu vực Lviv, miền Tây Ukraine, hôm 14/6 (giờ địa phương).
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nga thông tin: "Tên lửa Kalibr tầm xa chính xác cao được đặt gần Zolochev, vùng Lvov, đã phá hủy một kho đạn dược do các nước NATO chuyển giao cho Ukraine, bao gồm cả pháo cỡ 155 mm M777".
Trước đó, cùng ngày, các quan chức Ukraine cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ tên lửa hành trình của Nga trên Lviv và Ternopil nhưng cũng thừa nhận rằng một số cuộc không kích của Nga đã thành công.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ: "Chúng tôi có thể ngăn chặn được một phần. Nhưng thật không may, có nạn nhân trong cuộc tấn công này và có cả sự tàn phá".
Minh Hạnh (Theo CNN)