Hà Nội lập 22 chốt chặn ở cửa ngõ thành phố
Chiều ngày 12/7, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, xã, phường… để tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Kết luận phiên họp, ông Chử Xuân Dũng đặc biệt nhấn mạnh, thủ trưởng các sở ban ngành, lãnh đạo các quận huyện thị xã, xã phường thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Công điện số 14/CĐ-CTUBND Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong ngày 12/7 với các công việc cụ thể với phương châm: “Nghiêm túc, không chủ quan chậm trễ, không để sai sót, phải chủ động sáng tạo theo tình hình cụ thể của địa phương mình. Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan”.
Cũng tại cuộc họp, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ lập 22 chốt kiểm soát người, phương tiện liên quan công tác kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ, đường nhánh... ra vào thủ đô.
Chốt trực bao gồm các lực lượng: Công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng của các quận, huyện, thị xã. Công an TP.Hà Nội sẽ chia làm 4 ca trực và chịu trách nhiệm dựng lều, bạt và các phương tiện phục vụ như bàn ghế, nước uống tại các chốt trực. Dự kiến 22 chốt trực được triển khai vào sáng ngày 14/7.
Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Hà Nội kê khai y tế, đo thân nhiệt; các trường hợp nghi vấn, biển số tỉnh vùng dịch đề nghị quay lại hoặc phải có xét nghiệm âm tính.
“Các chốt trực sẽ vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt vừa kết hợp test nhanh và kiểm tra giấy xác nhận xét nghiệm âm tính”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.
Thông tin về điểm nóng Khu công nghiệp Thăng Long, Phó Giám đốc sở Y tế TP. Vũ Cao Cương cho biết tính đến 14h ngày 12/7, Hà Nội đã ghi nhận 2 chùm ca bệnh tại các huyện Đông Anh, Mỹ Đức và các ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến các tỉnh thành khác.
Chùm ca bệnh tại Đông Anh (ngày 5/7, phát hiện ca bệnh tiếp xúc với các ca bệnh dương tính tại Bắc Giang) đã phát hiện 29 F0, tổng số F1 là 331, trong đó 28 trường hợp dương tính, còn lại âm tính.
Tổng số người liên quan, người trong khu vực chùm ca bệnh khoanh vùng đã được lấy mẫu là 3.882 (Công ty SEI 3.066 mẫu; Công ty MOLEX 594 mẫu; khu vực phong tỏa 222 mẫu). Kết quả xét nghiệm người liên quan có 10 trường hợp nhân viên Công ty SEI dương tính, còn lại âm tính.
TP.HCM đồng loạt dừng dỡ bỏ hơn 300 chốt giám sát nội thành
Sáng 13/7, hơn 300 chốt kiểm soát cấp quận, huyện, phường, xã ở TP.HCM đã dừng hoạt động . Công an TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương chuyển từ đứng chốt kiểm soát sang tuần tra kiểm soát, xử lý lưu động trường hợp vi phạm trên đường.
Thiếu tá Phan Phạm Anh Tài, đội trưởng Đội CSGT - TT Công an quận 3 - cho biết đội nhận được chỉ đạo của Công an TP.HCM từ sáng 13/7, yêu cầu không đứng chốt kiểm tra nữa mà chuyển sang tuần tra kiểm soát lưu động trên đường để xử lý những người vi phạm ra đường không thật sự cần thiết.
Theo ông Tài, trong sáng 13/7, Đội CSGT - TT đã tuần tra, kiểm soát trên đường phát hiện 4 trường hợp vi phạm ra đường không cần thiết và xử phạt 8 triệu đồng.
Chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp xảy ra ùn ứ trước đó cũng đã được tháo dỡ trong sáng cùng ngày.
Trung tá Nguyễn Văn Khởi, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Gò Vấp, cho biết trong sáng nay, các chốt kiểm soát trên địa bàn đã gỡ bỏ theo chỉ đạo của cấp trên. Lực lượng chức năng quận này đã thành lập 4 tổ tuần tra thực hiện nhiệm vụ mới.
Riêng 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ thành phố vẫn được duy trì.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, cho biết các chốt kiểm soát bên trong thành phố vẫn giữ. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sẽ không xét giấy kiểm tra ở các chốt trong nội ô thành phố vì có thể dẫn đến ùn ứ.
Ông Mãi cho biết phương án này là sự chủ động của Công an TP.HCM. Thay vì kiểm tra tại các chốt, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, giám sát, nhắc nhở. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền để mọi người tự giác thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, không đi ra ngoài khi không cần thiết.
Các chốt kiểm soát được lập sau khi TP.HCM giãn cách xã hội dài 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Người dân khi qua chốt phải khai báo y tế, trình qua các giấy tờ như thẻ công tác các ngành quân đội, công an, y tế; doanh nghiệp... Riêng ở 12 chốt chính, người đi đường phải cung cấp thêm giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời gian 3 ngày.
Sau 4 ngày áp dụng Chỉ thị 16, lượng xe chạy ngoài đường giảm khoảng 86% so với trước, theo thống kê sở Giao thông Vận tải. Tuy vậy, tại một số chốt xảy ra tình trạng ùn ứ.
BV Đại học Y Hải Phòng nói gì vụ giấy xét nghiệm SARS- CoV-2 giả mạo
Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng vừa có báo cáo gửi lên bộ Y tế và cơ quan Công an về việc xuất hiện phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 giả danh bệnh viện.
Cụ thể, theo bệnh viện Đại học Y Hải Phòng, cuối tháng 6/2021, đoàn công tác Công an thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã đến bệnh viện và làm việc, đề nghị xác minh phiếu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nghi ngờ giả mạo phiếu xét nghiệm của bệnh viện.
Đến đầu tháng 7/2021, bệnh viện Đại học Y Hải Phòng tiếp tục nhận được thông tin về việc trên mạng xã hội xuất hiện phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 giả mạo.
Sau khi làm việc với các đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, bệnh viện Đại học Y Hải Phòng xác định, chữ ký và con dấu trên tờ giấy xét nghiệm COVID-19 mà các đơn vị cung cấp không phải là chữ ký và con dấu thuộc bệnh viện Đại học Y Hải Phòng. Các tờ giấy này cũng không có mã code để kiểm tra. Trong khi đó, phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 của Bệnh viện đều có mã code; các thông tin người làm xét nghiệm đều được hiển thị thông qua việc quét mã code này. Vì vậy, các phiếu xét nghiệm mà các đơn vị và cá nhân cung cấp đều là giả mạo.
Trước sự việc, bệnh viện Đại học Y Hải Phòng đã có báo cáo gửi Công an TP.Hải Phòng; đồng thời, đặt biển cảnh báo trước cổng Bệnh viện để lưu ý người dân khi đến khám bệnh, xét nghiệm tại bệnh viện, tránh bị "cò mồi" mời chào làm phiếu xét nghiệm giả.
Bình Thuận: Người đàn ông tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà nghỉ
Chiều 13/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Tân (Bình Thuận) tiến hành điều tra nguyên nhân tử vong của một người đàn ông tại nhà nghỉ D.C thuộc xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.
Nhoảng 13h30 ngày 13/7, chủ nhà nghỉ D.C không thấy người đàn ông trước đó thuê phòng xuống trả phòng, nên lên phòng gõ cửa.
Sau khi không thấy khách phản hồi, chủ nhà nghỉ dùng chìa khóa phụ mở cửa thì tá hỏa phát hiện người đàn ông tử vong trong tư thế treo cổ.
Nguồn tin cho hay, nạn nhân khoảng 40 tuổi, từ thị xã La Gi đến thuê trong từ ngày 12/7.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc.
Theo báo Bình Thuận, tại hiện trường, người đàn ông khoảng 40 tuổi mặc áo sơ mi màu trắng ngắn tay, quần tây màu đen, thân hình khá mập. Khi thuê phòng, người đàn ông này điều khiển xe máy 86B6 – 00262.
Hiện Công an huyện Hàm Tân đang tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và truy tìm tung tích nạn nhân.
Bạch Hiền (t/h)