Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 20/11 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Israel không khích tiêu diệt loạt mục tiêu Iran ở Syria
Tiêm kích F-35 của Israel. Ảnh: AP |
Ngày 19/11, Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin, Israel đã phát động một cuộc không kích dữ dội nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria. Đây được coi là hành động nhằm trả đũa Iran sau khi Israel phát hiện các thiết bị nổ được bố trí gần một trong các căn cứ của nước này trên cao nguyên bị chiếm đóng Golan.
Quân đội Israel cho biết, các máy bay chiến đấu của Không quân Israel đã tấn công các mục tiêu thuộc lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran và các lực lượng chính phủ Syria, bao gồm các nhà kho, sở chỉ huy và trận địa tên lửa đất đối không.
Cụ thể, có 8 mục tiêu của Damascus bị tấn công, bao gồm 1 căn cứ quân sự của Iran gần Sân bay Quốc tế Damascus, 1 sở chỉ huy của các sĩ quan cấp cao của Iran, sở chỉ huy của Sư đoàn 7 Quân đội chính phủ Syria. Các bệ phóng tên lửa đất đối không hiện đại của Syria cũng bị không kích, sau khi khai hỏa vào các máy bay và vũ khí của Israel.
Armenia mua Su-30SM của Nga không đi kèm tên lửa
Tiêm kích Su-30SM của Armenia không được trang bị tên lửa. Ảnh: Avia-pro. |
Theo cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Armenia Movses Hakobyan, cá nhân ông đã từ chối mua máy bay chiến đấu của Nga vì nhận ra rằng Moskva sẽ không cung cấp tên lửa cho nước này trên cơ sở lệnh cấm vận chuyển cho các nước khác. Thủ tướng Nikol Pashinyan đích thân can thiệp và yêu cầu mua chính xác chiếc Su-30SM, bất chấp việc sau này chúng vẫn không có vũ khí.
"Tiêm kích Su-30SM đang ở Armenia mà không có tên lửa. Tôi đã cảnh báo về điều này. Có một sắc lệnh đặc biệt của chính phủ Nga cấm bán tên lửa kèm Su-30SM cho các nước khác. Tôi đã được đề nghị mua các tiêm kích trên khi còn là người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu, nhưng tôi từ chối và báo cáo với lãnh đạo đất nước lý do tại sao không cần chúng", ông Movses Hakobyan nói.
"Bạn hoàn toàn sai lầm khi mua máy bay chiến đấu và để chúng không có vũ khí. Đánh giá theo dữ liệu mới nhất, có cảm giác rằng Nikol Pashinyan hoàn toàn không biết về tình hình trong suốt những năm ông ấy làm Thủ tướng Armenia", nhà phân tích quân sự cho biết.
Hải quân Mỹ muốn lập hạm đội mới tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite. Ảnh: US Navy |
“Chúng ta không thể phụ thuộc vào Hạm đội số 7 ở Nhật Bản. Chúng ta cần lập hạm đội đánh số mới”, Bộ trưởng Braithwaite tại hội nghị chuyên đề thường niên của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân ngày 17/11.
Năm 2018, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) đã đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay gọi là Indo-Pacom (USINDOPACOM).
Hiện tại, Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ hoạt động ngoài khơi Nhật Bản, phụ trách vùng biển rộng lớn đến tận biên giới Ấn Độ - Pakistan. Các nhà phân tích đánh giá việc lập hạm đội mới trong khu vực sẽ đem đến những giá trị rõ ràng.
“Chúng ta phải nhờ cậy vào các đồng minh và đối tác như Singapore, Ấn Độ. Và nếu điều một hạm đội đánh số mới đến khu vực cần thiết, chúng ta sẽ có thể tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào. Quan trọng hơn, điều này sẽ đem đến sự răn đe mạnh gấp nhiều lần”, ông Kenneth Braithwaite nói.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ tích cực mở rộng sức mạnh tàu chiến và tàu ngầm.
Mộc Miên (T/h)