Rận mi chi chít trên mí mắt bé gái
Báo Người Lao Động đưa tin chiều 8/5, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết cùng ngày, bệnh nhi H.B.H (5 tuổi; ngụ TP.Cần Thơ) bị rận và trứng bám dày đặc vào mi mắt đã đến tái khám, kết quả đã hoàn toàn bình phục.
Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rận mi chi chít trên mi mắt. Theo người nhà, trước khi nhập viện, bệnh nhi có triệu chứng ngứa mắt, thường xuyên dụi mắt và phát hiện trên lông mi có nhiều vật thể bám vào.
Khi thấy tình trạng ngứa, khó chịu ở mắt bé không thuyên giảm dù đã được điều trị tại nhà bằng nước muối sinh lý nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ để được thăm khám.
Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán bị rận bám ở mí mắt và chỉ định tiến hành lấy sạch rận, trứng rận ở lông mi. Quá trình điều trị được bác sĩ thực hiện nhanh chóng, giúp bệnh nhi loại bỏ rận mi, trứng rận và hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc mắt tránh lây lan và tái nhiễm.
Bác sĩ Lê Viết Pháp - Quyền Trưởng Khoa Khám và Cấp cứu Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, cho biết rận mi ở trẻ có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa cha mẹ bị nhiễm bệnh và con cái của họ hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo hoặc khăn tắm bị nhiễm.
3 người bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu
Ngày 8/5, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết Trung tâm Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu, theo TTXVN.
Cụ thể, khoảng 19h ngày 5/5, 5 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn cơm tối, bữa cơm có món sâu ban miêu chiên. Trong 5 người, có 3 người ăn món sâu ban miêu, 2 người còn lại không ăn.
Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ, 3 người ăn sâu ban miêu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu…
Sáng sớm hôm sau, 3 người cùng vào bệnh viện địa phương để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nên đã chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Một trong 3 bệnh nhân cho hay, vì nghe nói sâu ban miêu ăn được và thấy loài sâu này có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp…, nghĩ là lành nên người này đã bắt sâu về chế biến cho mọi người cùng ăn. Sau khi ăn, ng3 ười có biểu hiện giống nhau, nghi bị ngộ độc nên đã cùng đến thăm khám tại bệnh viện địa phương.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, sâu ban miêu thực chất là một loài bọ cánh cứng, chúng chứa chất độc Cartharidin. Cartharidin là một chất rất độc, hủy hoại và gây chết protein. Chất này đi đến đâu sẽ gây tổn thương protein đến đó.
"Khi ăn phải chất này, đầu tiên, người bệnh sẽ bị tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột… Cartharidin đi đến cơ quan nào sẽ làm tổn thương cơ quan đó nên sau khi gây tổn thương đường tiêu hóa sẽ gây tổn thương gan, thận… và thậm chí có thể gây tử vong," TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Biểu hiện đầu tiên của người ngộ độc Cartharidin sẽ liên quan đến đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy…, sau đó đến các biểu hiện như đi tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu…
Các bệnh nhân ngộ độc Cartharidin cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không nguy cơ biến chứng sẽ rất nặng. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm chất độc này cũng rất cao.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, 3 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu trên vẫn đang trong quá trình đánh giá, theo dõi và tiếp tục được điều trị tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.
Phẫu thuật nội soi cắt khối u buồng trứng cho cụ bà 102 tuổi
Theo báo Đại Đoàn Kết, ngày 8/5, thông tin với báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết ekip của khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng xoắn thành công cho cụ bà N.T.L. (102 tuổi, trú xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Trước đó, người bệnh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau nhiều vùng hạ vị. Sau khi thăm khám, chụp cắt lớp ổ bụng các bác sĩ phát hiện cụ có khối u nang buồng trứng phải kích thước 6x7 cm, khối u nang buồng trứng trái kích thước 10x8 cm theo dõi xoắn.
Quá trình hội chẩn, các bác sĩ của khoa Ngoại tổng hợp và khoa Gây mê hồi sức nhận định đây là bệnh lý cấp cứu cần phải được phẫu thuật kịp thời, nếu không khối u có thể vỡ, hoại tử gây viêm phúc mạc, sốc do nhiễm trùng và có thể dẫn đến tử vong. Trở ngại là bệnh nhân đã hơn 100 tuổi, sức khỏe không được tốt, khi chụp Xquang tim phổi có hình ảnh xơ mờ 2 phổi, quá trình phẫu thuật sẽ gặp khó khăn.
Khi thực hiện phẫu thuật nội soi vào ổ bụng, các bác sĩ phát hiện ổ bụng của bệnh nhân có ít dịch máu thẫm; khối u buồng trứng trái kích thước 10 x 8 cm, xoắn, tím đen và nang buồng trứng phải kích thước 6x7 cm.
Tuy nhiên, sau khoảng 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ được toàn bộ khối u buồng trứng bên trái bị xoắn và cắt chỏm nang buồng trứng bên phải cho bệnh nhân. 1 ngày sau khi được phẫu thuật, sức khỏe của cụ L. đã hồi phục, vết mổ đã lành; được chuyển về khoa Ngoại tổng hợp tiếp tục điều trị.
Chia sẻ sau ca phẫu thuật, TS.BS Đỗ Mạnh Toàn - phẫu thuật viên chính ca phẫu thuật cho biết, việc chẩn đoán u nang buồng trứng xoắn và việc phẫu thuật không khó khăn nhưng với trường hợp cụ L. thì khác.
Bệnh nhân đã 102 tuổi, hình ảnh xơ mờ phổi 2 bên trên X-quang càng là một thách thức lớn. Tuy nhiên, do lựa chọn phương pháp mổ, phương pháp gây mê phù hợp để phẫu thuật nên ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân hồi phục nhanh sau phẫu thuật.