Uống thuốc diệt chuột do mẫu thuẫn với gia đình
Theo VTC News, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị ngộ độc thuốc chuột.
Do mâu thuẫn với gia đình, người đàn ông đã uống 10 ông thuốc diệt chuột màu hồng (thành phần nghi ngờ là Natri Fluoroacetat), được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được rửa dạ dày.
Trong quá trình điều trị, người đàn ông xuất hiện nhiều cơn kích thích, co giật, tăng trương lực cơ toàn thân, có nhiều cơn vắng ý thức. Có thời điểm bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, an thần.
Sau nhiều giờ cấp cứu, người bệnh giữ được tính mạng, tuy nhiên trước tiền sử uống số lượng lớn thuốc diệt chuột, diễn biến bệnh phức tạp, bệnh nhân được nằm theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Theo các bác sĩ, Natri Fluoroacetat và Fluoroacetamid (hợp chất 1080 và 1081) là hóa chất diệt chuột mới được sử dụng từ đầu những năm 1990 ở Việt Nam). Hóa chất diệt chuột loại này thường được sản xuất dưới dạng hạt gạo màu hồng, dạng ống dung dịch màu hồng hoặc không màu.
Nếu không được cấp cứu khẩn trương và điều trị tích cực, nạn nhân sẽ nhanh chóng co giật, suy hô hấp, tiêu cơ vân, suy thận, rối loạn nhịp, suy tim cấp, tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người không tự ý thử hay sử dụng thuốc diệt chuột, đặc biệt với đối tượng trẻ em, không để bả chuột ở nơi trẻ hay chơi đùa hoặc nơi dễ nhìn thấy như cửa sổ, góc nhà, gầm giường, trên đường trẻ đi học...
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ người thân uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, gia đình cần nhanh chóng tách người thân ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà người nhà ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.
Phẫu thuật cắt nang thận kích thước lớn cho bệnh nhân 65 tuổi
VTV Times đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Bãi Cháy vừa phẫu thuật nội soi thành công cắt nhiều nang hai thận kích thước lớn 12x9cm chèn ép hai thận cho người bệnh.
Cụ thể, bệnh nhân Đ.H.N (65 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng đau tức hông lưng hai bên. Kết quả Ctscanner ổ bụng phát hiện thận phải kích thước to, có vài nang kích thước lớn nhất 12x9cm, thận trái kích thước to, có vài nang kích thước lớn nhất 12,6x8,7cm. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa, chẩn đoán nang thận hai bên và chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị.
Ca phẫu thuật nội soi cắt nang thận do bác sĩ CKII Dương Xuân Hiệp – Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, bác sĩ CKI Trần Lý Bách – khoa Ngoại tổng hợp cùng ekip thực hiện. Quá trình phẫu thuật nội soi qua ổ bụng quan sát thấy nang thận kích thước lớn đè đẩy phúc mạc vào ổ bụng chèn ép nhiều các tạng xung quanh.
Phẫu thuật viên đã tiến hành mở qua phúc mạc, bộc lộ nang thận, chọc hút và phẫu tích bóc triệt để các nang ở hai thận. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, sau 2 ngày, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt.
Nang thận là những khối bất thường hình thành ở một hoặc cả hai bên thận, bề mặt tròn nhẵn, bên trong chứa dịch. Các nang thận nằm độc lập với đài bể thận, có nhiều hình dáng khác nhau làm biến đổi bề mặt ngoài của thận.
Nang thận là tổn thương lành tính thường gặp nhất ở thận với tỉ lệ mắc gia tăng theo tuổi tác, đặc biệt là ở người già và người có bệnh lý nền. Nguyên nhân của nang thận có thể do sự phá hủy cấu trúc của các ống thận hoặc thiếu máu cung cấp cho thận hoặc túi thừa từ ống thận có thể tách ra tạo thành nang thận.
Đánh giá về ca phẫu thuật, bác sĩ CKI Trần Lý Bách cho biết: "Nang thận phát triển lớn về kích thước có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: đau tức nặng vùng sườn hoặc hông lưng có nang lớn chèn ép lên các cơ quan khác, tiểu máu, tăng huyết áp nếu có chèn ép vào động mạch thận, sốt hoặc rét run do nang thận nhiễm trùng hoặc xuất huyết trong nang thận…”.
Bệnh lý nang thận thường diễn tiến âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng lâm sàng cụ thể. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện thông qua khám sức khỏe hoặc các bệnh lý khác.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Bãi cháy, người bệnh có nang thận kích thước lớn và xuất hiện những triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt như đau nhiều vùng lưng, hông, rối loạn tiểu tiện (tiểu buốt, tiểu máu), nhiễm khuẩn tiết niệu… cần đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn can thiệp điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
CHDC Congo báo cáo gần 300 ca tử vong do đậu mùa khỉ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CHDC Congo đã báo cáo hơn 4.500 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ và gần 300 trường hợp tử vong kể từ tháng 1/2024. Con số này tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, CHDC Công đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe liên quan tới dịch bệnh đậu mùa khỉ. Giới chuyên gia y tế quốc tế đánh giá đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang xảy ra tại CHDC Congo có thể dễ lây lan hơn.
Một phân tích trên các bệnh nhân nhập viện từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024 ở miền Đông CHDC Congo cho thấy có những đột biến gen ở đậu mùa khỉ. Các đột biến này được xem là kết quả của việc bệnh tiếp tục lây truyền ở người.
WHO cho biết có thể sẽ cần một chiến lược xét nghiệm mới để phát hiện các đột biến của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, theo thông tin trên VTV Times.