Người phụ nữ 30 tuổi mang thai ngoài tử cung hiếm gặp
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 4/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho người phụ nữ mang thai ngoài tử cung hiếm gặp, gây biến chứng chảy máu cấp trong ổ bụng.
Trước đó, khoảng 21h ngày 30/12/2024, người phụ nữ 30 tuổi trú tại huyện Núi Thành được đưa đến khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng đau quặn bụng dưới, ra ít máu sẫm đen ở vùng kín, tiền sử kinh nguyệt không đều.
Sau khi thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng, siêu âm bụng, bác sĩ nghi ngờ thai ngoài tử cung vỡ cho dù người bệnh này đã đặt vòng tránh thai 4 năm nay. Người bệnh sau đó được chuyển về khoa Phụ sản theo dõi.
Đến gần 5h hôm sau, người bệnh đau tức dữ dội vùng bụng dưới và hông phải. Khoa Phụ sản tiến hành hội chẩn toàn viện, quyết định chuyển mổ cấp cứu để xử trí tình trạng bụng ngoại khoa nghi ngờ thai ngoài tử cung vỡ.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ quan sát thấy nhiều cục máu đông ở vùng bụng dưới, vòi trứng hai bên và buồng trứng phải bình thường, không có khối nghi ngờ. Bộc lộ sâu dưới hố chậu phát hiện buồng trứng bên trái kính thước lớn, chứa khối nghi ngờ thai ngoài khoảng 2x3 cm đang chảy máu.
Các bác sĩ đã tiến hành cắt đốt loại bỏ khối thai ngoài, súc rửa ổ bụng sạch kèm đặt dẫn lưu bụng để theo dõi sau mổ. Sau 5 ngày điều trị, tới sáng 4/1, người bệnh đã được xuất viện.
Theo các bác sĩ, điều đặc biệt là người bệnh đau rất nhiều ở vùng hông phải, siêu âm trước đó thấy khối nghi ngờ thai ngoài tử cung nằm bên buồng trứng phải nhưng khi tiến hành phẫu thuật thì phát hiện khối này ở buồng trứng trái.
Trong quá trình phẫu thuật, với trường hợp trên, bác sĩ đã mời người nhà của người bệnh vào tư vấn và cho xem trực tiếp cụ thể. Sau khi kết thúc ca phẫu thuật, bác sĩ tiến hành lấy vòng tránh thai cho người bệnh.
Bác sĩ CKI Phạm Minh Vương - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết thai ngoài tử cung (còn gọi là thai lạc chỗ) là tình trạng túi thai nằm ngoài buồng tử cung, vị trí thường gặp ở ống dẫn trứng (95%).
Trường hợp này, thai làm tổ ở buồng trứng là rất hiếm gặp, với tỉ lệ 1/7.000 và chiếm 3% trong các trường hợp thai ngoài tử cung. Đây cũng là trường hợp lần đầu tiên ghi nhận tại bệnh viện.
Hà Nội ghi nhận thêm hơn 100 ca mắc sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 27/12/2024 đến ngày 3/1/2025), toàn thành phố ghi nhận 101 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện, thị xã (tăng 25 trường hợp so với tuần trước đó).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 436 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh, theo thông tin trên báo Hà Nội Mới.
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó có 125 trường hợp dưới 9 tháng tuổi (chiếm 28,7%); 74 trường hợp từ 9 - 11 tháng (chiếm 17,0%); 144 trường hợp từ 1 - 5 tuổi (chiếm 33%); 41 trường hợp từ 6 - 10 tuổi (chiếm 9,4%); 52 trường hợp trên 10 tuổi (chiếm 11,9%).
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
Ngoài ra, tuần qua ghi nhận thêm 55 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện (giảm 126 trường hợp so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 9.243 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 77,2% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong tuần không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 474 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Cũng trong tuần qua, thành phố có thêm 9 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 9 trường hợp so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 2.531 trường hợp tay chân miệng. Trong tuần cũng không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván tại huyện Thanh Trì. Đây là nam bệnh nhân 52 tuổi, tiền sử có vết thương ở ngón chân cái bên phải. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 19 trường hợp mắc uốn ván (giảm 6 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái).
Các dịch bệnh khác như ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, COVID-19… không ghi nhận ca bệnh trong tuần.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng.
Đồng thời, triển khai hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.
Đồng Nai ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh ho gà
Theo TTXVN, ngày 4/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp bé gái 4 tuổi tử vong do bệnh ho gà. Bệnh nhi được xác định là bé N.T.Y.N. (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Đây là trường hợp đầu tiên ở Đồng Nai tử vong do bệnh ho gà trong năm 2025.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, ngày 19/12/2024, bé N. có dấu hiệu ho nhưng gia đình vẫn cho ở nhà với mẹ. 4 ngày sau, bé vẫn ho nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, cho thuốc về nhà uống và theo dõi.
Đến ngày 25/12/2024, bé N. ho nhiều, khó thở tăng dần. Gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, được bác sĩ cho nhập viện để theo dõi và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp/hen phế quản nặng/nhiễm trùng huyết/theo dõi ho gà.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM để theo dõi. Tại đây, bé được lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Bé được tiếp tục điều trị, tuy nhiên do tình trạng bệnh rất nặng, đến ngày 1/1/2025, bé gái tử vong với chẩn đoán mắc bệnh ho gà.
Qua điều tra dịch tễ, lực lượng chức năng ghi nhận thông tin từ gia đình cho thấy, trước khi khởi phát bệnh, bé gái ở nhà với mẹ, không đi học hay gửi ở nhóm trẻ nào tại địa phương.
Bé N. sau khi sinh đã được tiêm 2 mũi vaccine lao và viêm gan B tại bệnh viện. Ở nhà, bé có tiếp xúc gần với cha, mẹ, chị gái, em gái mới sinh và hai người hàng xóm ở dãy trọ.
Người nhà bệnh nhi cho biết, do bận công việc nên không có thời gian để đưa con đi tiêm phòng và cũng không nhớ lịch sử tiêm phòng của con mình. Gia đình đã làm thất lạc các loại giấy tờ, sổ tiêm chủng. Trên hệ thống phần mềm tiêm chủng cũng không có thông tin của bé N..
Ngay sau khi ghi nhận sự việc, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom đã điều tra, xác định các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, đặc biệt các thành viên trong gia đình. Tất cả các trường hợp này phải điều trị một đợt kháng sinh.
Tiến hành tiêm vaccine ho gà (DPT) cho các trường hợp dưới 6 tuổi, chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa được tiêm bổ sung. Theo dõi các trường hợp này trong vòng 3 tuần. Tiến hành phun thuốc khử khuẩn xung quanh nhà bệnh nhân và những khu vực có liên quan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đề nghị Trạm y tế xã Hố Nai 3 phối hợp với UBND xã Hố Nai 3 tăng cường giám sát tại cộng đồng, nhất là khu vực gần nhà bệnh nhi để phát hiện những ca mắc mới, những trường hợp có triệu chứng sức khỏe bất thường.
Cùng với đó, phổ biến cho những người tiếp xúc gần tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là ho kéo dài ít nhất 2 tuần và thông báo ngay cho cán bộ y tế.
Đồng thời, thực hiện quản lý đối tượng tại địa phương chặt chẽ hơn, tránh bỏ sót các trường hợp trẻ đang độ tuổi tiêm chủng có trên địa bàn nhất là các trẻ từ địa phương khác di chuyển đến.