Thanh niên đi cấp cứu sau khi tự nặn mụn
VietNamNet dẫn lời gia đình người bệnh cho biết, nam thanh niên 19 tuổi (Hà Nội) có mụn ở mép môi dưới bên trái, kèm theo sưng nề, nóng đỏ. Bệnh nhân tự nặn mụn, sau đó sốt 38 độ C, gai rét, ở nhà tự dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao 38,5 độ C, có cơn rét run, môi khô; vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế; khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.
Bệnh nhân được chuyển tới khoa Bệnh lây đường tiêu hóa. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp-xe vùng mặt - cằm trái, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát, viêm phổi hoại tử 2 bên.
Mụn (trứng cá) là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra mụn nhọt là do bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông, với biểu hiện là vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu.
Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực. Việc tự nặn mụn như nhiều người thường làm có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.
Đặc biệt, vùng mặt có khu vực gọi là vùng tam giác nguy hiểm, cách xác định: Đặt bàn tay sao cho đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi - miệng và cằm.
Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.
Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên các bệnh: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí tử vong.
Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.
"Bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết", bác sĩ Mạnh cho biết.
Em bé 10 tháng tuổi bị lồng ruột gây hoại tử
Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vừa tiến hành phẫu thuật cắt đoạn đại tràng do lồng ruột gây hoại tử cho bé gái 10 tháng tuổi.
Trước đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến Phòng khám đa khoa Hùng Vương – Kim Xuyên cấp cứu trong tình trạng sốc mất dịch, môi khô, mắt trũng, li bì. Gia đình bệnh nhi cho biết sáng cùng ngày vào viện, trẻ xuất hiện nôn nhiều lần, nôn ngay sau ăn kèm đại tiện 3-4 lần phân lẫn máu, trẻ mệt mỏi, li bì.
Ngay lập tức, bệnh nhi được cấp cứu bù dịch, siêu âm ổ bụng phát hiện lồng ruột và được chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thực hiện phẫu thuật cấp cứu.
Bệnh nhi nhanh chóng được tiến hành phẫu thuật cấp cứu, do phát hiện muộn nên đoạn ruột lồng đã bị hoại tử, vì vậy các bác sĩ đã tiến cắt đoạn đại tràng phải lập lại lưu thông. Hiện tại, sau phẫu thuật, tình trạng sức khoẻ bệnh nhi ổn định và tiếp tục được theo dõi tại khoa Nhi của bệnh viện.
Theo các bác sĩ, lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng, trong đó 80 - 90% các bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi, là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đoạn ruột bị lồng vào nhau sẽ bị hoại tử, dẫn đến thủng ruột và gây viêm phúc mạc (màng bụng).
Người đàn ông nhập viện sau khi đi phun thuốc trừ sâu
VietNamNet đưa tin, nam bệnh nhân T. (60 tuổi) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng sốc giảm thể tích, mạch nhanh, huyết áp tụt, suy thận cấp, toan chuyển hoá tăng lactate do say nóng, say nắng sau khi đi phun thuốc trừ sâu.
Vào chiều cùng ngày, ông T. đi phun thuốc sâu ngoài trời nắng nóng và mất rất nhiều mồ hôi. Khi về nhà, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, co rút cơ bắp chân tăng dần, vã mồ hôi, lạnh người, có dùng các biện pháp làm ấm cơ thể nhưng không đỡ.
Người nhà đưa bệnh nhân đến nhà của nhân viên y tế tiêm canxi nhưng không đỡ, mồ hôi đầm đìa ướt đẫm quần áo, chăn gối, môi tím, khô và khát nước nhiều.
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và bù nước, điện giải. Hiện tại, sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực, nam bệnh nhân ổn định và nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, say nắng là dấu hiệu sốc nhiệt khi làm việc dưới trời nắng nóng, xảy ra phổ biến trong mùa hè.
Trường hợp nhẹ, người bệnh có nhịp tim gấp gáp, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Trường hợp nặng, bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp, sốc giảm thể tích, rối loạn điện giải nặng, tổn thương tạng, suy đa tạng.
Để phòng say nắng, các bác sĩ khuyến cáo trong ngày nắng nóng, người dân tránh làm việc trong khoảng thời gian từ 11h - 14h, đồng thời không mặc quá nhiều quần áo bí, không thấm mồ hôi.