Người đàn ông đi cấp cứu sau bữa nhậu
VietNamNet đưa tin, nam bệnh nhân T.Q.K. (60 tuổi, trú tại Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vào cấp cứu tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc của Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi trả lời kém, co giật toàn thân, đau bụng vùng thượng vị âm ỉ xuyên ra sau lưng, nôn nhiều.
Trước đó, sau khi ăn nhậu, ông K. xuất hiện tình trạng trên. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhanh chóng nhận định đây là ca bệnh rất nguy kịch, theo dõi ngộ độc Ethanol (rượu thực phẩm). Kết quả xét nghiệm có tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy thận và suy hô hấp cấp.
Bệnh nhân đã được đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, lọc máu cấp cứu, bù dịch, vận mạch, cân bằng toan kiềm, điện giải, dinh dưỡng tích cực trong suốt 24 giờ. Sau 1 ngày, sức khỏe người đàn ông này đã cải thiện rõ rệt. Hiện tại, bệnh nhân có thể ăn uống, vận động tốt, kết quả xét nghiệm bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết, ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng.
Người uống có các biểu hiện như không kiềm chế được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng xiêu vẹo. Ở mức độ nặng xuất hiện nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, ngộ độc rượu còn có thể do uống phải rượu giả, rượu có chứa methanol, rượu ngâm với lá, rễ cây thảo mộc hoặc động vật có chứa các độc tố.
Bác sĩ Dung khuyến cáo thêm những người có thói quen uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan,ruột. Da và niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu. Người bệnh bị thoái hóa gan, xơ gan, có thể dẫn tới ung thư gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần.
Theo bác sĩ Dung, người Việt Nam trưởng thành uống không quá 50ml rượu 40 độ hoặc 400ml bia loại 5 độ. Khi uống rượu cần ăn đầy đủ, không uống khi đói, ngoài ra tuyệt đối không lái xe, vận hành máy móc lao động sau uống rượu.
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho cụ bà 108 tuổi
Theo báo Nhân Dân, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo thành công cho cụ bà L.T.T (108 tuổi, ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Đây là ca bệnh cao tuổi nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại đây.
Người nhà cụ T. cho biết, trước khi nhập viện cụ bị ngã trượt chân, hông đập xuống nền cứng, sau ngã không thể đứng dậy, dần đau nhiều vùng hông phải.
Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cụ T. được chẩn đoán bị gãy liên mấu chuyển xương đùi phải, di lệch nhiều, không thể áp dụng nắn chỉnh và kết hợp xương bằng nẹp vít hoặc nẹp DHS.
Ts.Bs Hoàng Văn Dung - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình chia sẻ, do người bệnh đã cao tuổi, xương loãng, mật độ xương kém nên việc liền xương là rất khó khăn. Nếu không không được phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo sẽ gây di lệch ổ gãy thứ phát, phải nằm dài tại chỗ, vệ sinh chăm sóc khó khăn, dễ dẫn tới loét tì đè, ảnh hưởng xấu đến tinh thần và tâm lý.
Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho cụ T.. Ghi nhận sau mổ 1 ngày, cụ T. đã được hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng tại giường bệnh. Đến ngày thứ 2, cụ bà đã có thể ngồi dậy, tập đứng.
Đến ngày thứ 5, cụ tập đi với sự trợ giúp của người nhà, nhân viên y tế và sau hơn 10 ngày được theo dõi, chăm sóc, điều trị tích cực, cụ T. được xuất viện trong niềm vui hân hoan của tập thể cán bộ, nhân viên y tế và người thân trong gia đình.
Điều trị cho người đàn ông 46 tuổi bị viêm tụy cấp
Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, người đàn ông 46 tuổi (trú tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có tiền sử lạm dụng rượu. Một ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân đau bụng nhiều vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu.
Kết quả xét nghiệm công thức máu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho thấy bệnh nhân có chỉ số mỡ máu Triglyceride tăng cao 80 mmol/l, trong khi giới hạn bình thường là nhỏ hơn 1,7 mmol/l. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng ghi nhận viêm tụy cấp.
Người bệnh được chẩn đoán viêm tụy cấp và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, truyền dịch, kháng sinh, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, kiểm soát đường máu, nhịn ăn.
Sau 72 giờ điều trị tích cực, người bệnh hết đau, hết chướng bụng. Kết quả xét nghiệm chỉ số mỡ máu giảm xuống 2,7 mmol/l, được tập ăn trở lại. Hiện tại người bệnh được xuất viện.
Bác sĩ CKII Hà Đức Giang - Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, cho biết bệnh nhân còn trẻ nhưng có tiền sử lạm dụng rượu nhiều năm.
May mắn là bệnh nhân nhập viện sớm nên tình trạng chưa tiến triển suy đa tạng, chưa cần thay huyết tương, lọc máu liên tục. Sau khi được cấp cứu, điều trị theo phác đồ phù hợp, tụy của bệnh nhân được bảo vệ.