Nỗ lực cứu sống người phụ nữ bị chấn thương vỡ gan nguy kịch
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ nhiều chuyên khoa của bệnh viện đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân bị chấn thương vỡ gan nguy kịch do tai nạn giao thông, bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.
Cụ thể, chiều 29 Tết, nữ bệnh nhân H.T.H (45 tuổi, ở Bạc Liêu) đi xe máy từ Bình Dương về quê nghỉ Tết bất ngờ bị tai nạn (tự ngã) khi qua địa phận tỉnh Sóc Trăng. Bệnh nhân được người dân chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, phẫu thuật khâu gan, chèn gạc cầm máu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào cùng ngày 29 Tết với tình trạng nguy kịch, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh, huyết áp thấp, niêm nhạt da xanh, đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao, sonde dẫn lưu ra khoảng 1000 ml máu đỏ, đa chấn thương.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ khoa Cấp cứu xử trí sốc chấn thương truyền máu, truyền dịch chảy nhanh, thở máy,… Kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận: Chị H. bị chấn thương gan độ III-IV, có ổ thoát mạch, tụ máu quanh gan và vùng hạ vị; gãy xương sườn 4,5 bên phải, tràn dịch màng phổi phải.
Bệnh nhân trong tình trạng sốc, rối loạn đông máu nên lựa chọn tối ưu là chụp và nút mạch số hóa xóa nền, kết quả ghi nhận ổ thoát mạch từ nhánh động mạch gan phải. Bác sĩ CKII Trần Công Khánh – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện bơm tắc bằng hỗn hợp keo. Chụp kiểm tra sau bơm tắc không thấy thoát mạch.
Thủ thuật kéo dài khoảng 40 phút, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức ngoại khoa: thở máy, bù dịch, bù máu và các chế phẩm của máu, kháng sinh, giảm đau, cân bằng điện giải.
Sau khi sức khỏe bệnh nhân ổn định, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu tiếp tục tiến hành phẫu thuật dẫn lưu màng phổi khoảng 500 ml máu loãng. Khoa Ngoại Tổng hợp phẫu thuật lấy gạc ổ bụng và xử trí tổn thương phối hợp. Trong quá trình cấp cứu và phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân đã được truyền 15 đơn vị máu và chế phẩm của máu.
Hiện nay, bệnh nhân tỉnh, da niêm hồng, vết mổ khô, bụng mềm. Dự kiến chị H. được ra viện ngày 20/2.
Bệnh nhi 3 tháng tuổi bị viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết có biến chứng
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vừa điều trị thành công bệnh nhi 3 tháng tuổi nguy kịch do viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết có biến chứng nặng nề. Bệnh nhi vào viện cấp cứu trong tình trạng đáp ứng kém, sốt cao, kèm ho, có đờm, thở khò khè, chảy mũi đục, ăn uống kém hơn, nôn trớ…
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy các chỉ số nhiễm trùng tăng cao, siêu âm màng phổi và chụp CTscan có dịch khoang màng phổi phải, lượng nhiều.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết tiên lượng nặng, sau đó tiến hành chọc dịch màng phổi dẫn lưu mủ.
Bác sĩ Lê Thị Yến - khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, đây là bệnh nhi nhỏ tuổi, cần gây mê khi dẫn lưu, quá trình dẫn lưu đòi hỏi kỹ thuật tốt, cần rất tỉ mỉ, cẩn thận… Qua quá trình điều trị, chăm sóc tích cực bệnh nhi đã được điều trị thành công và đã được xuất viện.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ Đinh Xuân Hoàng - Trưởng khoa Nhi cho biết thêm, nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cấp tính do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, làm suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỷ lệ tử vong khá cao. Do vậy, ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bất thường như sốt cao hoặc nhiệt độ hạ, phù, tiểu buốt, tiểu máu, tiểu nhiều lần…, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh biến chứng không hồi phục.
Sở Y tế TPHCM thông tin về 2 trường hợp nghi ngộ độc botulinum
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 19/2, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị này nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc botulinum toxin, nhập viện vào ngày 6/2 và 7/2.
Theo Sở Y tế, cả hai trường hợp nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn ra thức ăn. Qua khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn, không loại trừ trẻ bị ngộ độc botulinum toxin nên đã quyết định sử dụng giải độc tố botulinum.
Hiện, tình trạng 2 bệnh nhi đã cải thiện. Một bệnh nhi đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa, bệnh nhi còn lại tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức, có dấu hiệu cải thiện tốt.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã lấy mẫu phân của 2 trường hợp bệnh nhi, gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Trước đó, năm 2023, TP.HCM ghi nhận hàng loạt các trường hợp ngộ độc botulinum. Cụ thể, ngày 13/5/2023, gia đình 4 người (ngụ thành phố Thủ Đức), gồm 1 người dì cùng 3 anh em ruột là N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) mua chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Sau đó, 3 anh em ruột bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Ngoài ra, ngày 20/5/2023, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị cho 3 trường hợp khác cũng bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả lụa. Ba bệnh nhân đều ngụ tại TP.Thủ Đức, thuộc hai gia đình khác nhau.
XEM THÊM: Đột ngột khó thở, đi cấp cứu phát hiện mắc nhồi máu phổi
Ngộ độc botulinum là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng vì độc tố tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể gây khó thở, tê liệt cơ hoặc thậm chí tử vong. Độc tố botulinum được tạo ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum, đôi khi bởi những dòng vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii.
Các chuyên gia chống độc cho biết, “thời gian vàng” sử dụng thuốc BAT cho bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, giúp họ thoát khỏi nguy cơ bị liệt hoặc thở máy là từ 48 - 72 giờ. Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân thở máy sẽ mất khoảng 5 - 7 ngày phục hồi sau khi dùng thuốc giải độc.
Đinh Kim(T/h)