Bé 4 tuổi có biểu hiện suy thận cấp sau 3 ngày tiêu chảy
Theo tạp chí Tri Thức, bé P.M.T (4 tuổi, ngụ tại Nghệ An) có biểu hiện đi ngoài phân lỏng liên tục đến 8-10 lần/ngày kèm theo nôn nhiều lần và sốt cao trên 39 độ C. Gia đình cho trẻ uống thuốc và chăm sóc tại nhà 3 ngày nhưng không đỡ, nên đưa cháu đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nhập viện.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi nổi ban mày đay toàn thân, bụng chướng, mắt trũng, thở nhanh, kích thích mất ngủ, tiểu ít. Sau khi thăm khám và xét nghiệm máu, các bác sĩ nhận định bệnh nhi mất nước nặng, rối loạn điện giải, hạ kali máu, tăng natri máu và có biểu hiện suy thận cấp do mất nước.
Với tình hình chuyển nặng của trẻ, các bác sĩ khẩn trương bù dịch, cân bằng rối loạn điện giải. Sau thời gian điều trị tích cực, hiện sức khỏe của T. đã ổn định.
Trường hợp bệnh nhi M.T. là một trong nhiều trường hợp tiêu chảy mất nước nặng do Rota virus, được điều trị kịp thời tại bệnh viện trong thời gian gần đây.
Các bác sĩ khoa Khám và điều trị tự nguyện cho biết, thời tiết nắng nóng khiến các bệnh lý về đường hô hấp và đường tiêu hóa ở trẻ tăng cao, đặc biệt là tiêu chảy cấp.
Trẻ bị tiêu chảy cấp có tốc độ đào thải phân cao có thể 10-15 lần/ngày, kèm theo thời tiết nắng nóng dễ mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Người đàn ông có nhịp tim lên tới 200 lần/phút
Báo Đồng Nai đưa tin anh P.N.T (39 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai trong tình trạng sốt, nhịp tim rất nhanh, lên đến 200 lần/phút, mạch yếu, huyết áp tụt, đau tức ngực dữ dội.
Theo bác sĩ CKI Hồ Sâm Hoài - khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai, đây là trường hợp hiếm gặp. Kết quả thăm khám và thực hiện các siêu âm, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim/viêm cơ tim cấp.
Các bác sĩ đã lập tức điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc chống loạn nhịp, ổn định huyết động… Sau 4 ngày điều trị, đến nay anh T. đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.
Bác sĩ Hoài cho biết thêm, viêm cơ tim cấp là căn bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, có thể dẫn đến suy tim gây ra những rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Đáng lưu ý, viêm cơ tim hay gặp ở người trẻ tuổi.
Do đó, những người có tiền sử viêm cơ tim cần phải có kế hoạch theo dõi sức khỏe và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng diễn tiến suy tim âm thầm.
Bệnh viêm cơ tim có thể xảy ra ở bất cứ ai. Người dân cần theo dõi sức khỏe của chính bản thân để kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể và thăm khám, điều trị kịp thời ngăn ngừa hậu quả khó lường.
Nam bệnh nhân nhập viện sau khi bị con vật này cắn
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ Đào Thị Hồng Nhung - khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân nam (31 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng phản vệ độ 2 và ngộ độc sau khi bị động vật lông vàng không rõ loại cắn.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân có rối loạn đông máu, triệu chứng nghi nhiễm độc do cu li cắn. Sau khoảng 40 phút xử trí, các biểu hiện toàn thân của bệnh nhân đã dần thuyên giảm.
Theo bác sĩ Nhung, hình ảnh nhận dạng cho thấy con vật vừa cắn bệnh nhân là cu li thuộc giống Nycticebus, với vẻ bề ngoài hiền lành, mắt tròn to, lông vàng óng nên người dân thường hiểu lầm là vô hại.
"Thực chất, cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước, có bản chất protein. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc kết hợp với nước bọt gây nhiễm độc qua nhát cắn tự vệ. Hiện trên thế giới và trong nước có rất ít thông tin, tài liệu nghiên cứu thành phần tuyến nọc độc của cu li", bác sĩ Nhung nói.
Người bị cu li cắn có thể gặp phải cảm giác tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi, khó chịu toàn thân, rối loạn các yếu tố đông máu, đau buốt, hoại tử, nhiễm trùng vết cắn. Ngoài ra, một số trường hợp biểu hiện dị ứng, thậm chí phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.
Đây là ca bệnh thứ 2 ghi nhận cu li cắn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong 2 năm gần đây. Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng khi gặp phải các sinh vật trong tự nhiên, hoang dã khi chưa nắm được đặc điểm loài, nguy cơ có hại mà chúng gây ra.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không bắt và nuôi cu li. Khi đi rừng, nếu không may bị các loài vật hoang dã cắn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Đ.K(T/h)