4 người bị bỏng vì bóng bay hydro phát nổ
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thời gian qua liên tục tiếp nhận 4 trường hợp bỏng do bóng bay hydro phát nổ, các nạn nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng vùng mặt, cổ, cánh tay...
Theo các bác sĩ, bóng bay hydro được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí, đền chùa… hoặc dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội nhưng ít ai biết rằng chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế, người cầm bóng bay hydro cần tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn.
Ngoài ra, không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Đặc biệt, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ. Khi bóng bay hydro phát nổ, khoảng cách cầm bóng lại thường gần với tay và mặt nên có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.
Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh không nên cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa, để tránh cháy nổ và rủi ro có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp bị bỏng do bóng bay hydro phát nổ, cần nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân bằng cách nhặt hết vụn bóng trên người, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che phủ bị tổn thương; ngâm phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh, có thể dùng vòi nước xối rửa ngay tại vị trí vết bỏng.
Đồng thời, băng bó vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bé trai phát ban đỏ toàn thân sau khi tiêm ngừa
VTV Times đưa tin, bé trai 8 tháng tuổi (ở Đồng Tháp) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long trong tình trạng phát ban đỏ toàn thân sau tiêm ngừa tại cơ sở tiêm chủng địa phương.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu và chuyên khoa nhi đã thăm khám kỹ lưỡng, chẩn đoán bé bị phản vệ sau tiêm ngừa. Các bác sĩ nhanh chóng xử trí điều trị theo phác đồ phản vệ cho bé.
Sau 18 giờ điều trị vết phát ban lặn dần, bé hết ngứa, không mệt, không khó thở, hiện tại có thể vui chơi, ăn uống bình thường và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Phản vệ là tình trạng dị ứng xảy ra sau khi tiếp xúc với dị nguyên, trong đó có vaccine. Phản ứng có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, có thể xảy ra ngay hoặc sau 1-2 ngày. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Vì vậy, sau khi tiêm chủng, tốt nhất phải ở lại theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ.
Người dân nên lựa chọn cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa, trang thiết bị y tế và đội ngũ bác sĩ cấp cứu túc trực 24/24h để bảo vệ sức khỏe, nhất là khi tiêm chủng nhằm phòng ngừa và xử trí kịp thời các biến cố y khoa.
“Giành giật mạng sống” cho thanh niên bỏng 76% diện tích cơ thể
Theo VTC News, nam thanh niên 18 tuổi (quê Nam Định) được đưa đến Bệnh viện Bỏng quốc gia cấp cứu trong tình trạng bỏng lửa ga nguy kịch, thở hắt, suy hô hấp, huyết áp tụt, Sp02 (nồng độ oxy máu) không đo được. Bệnh nhân bỏng 76% diện tích cơ thể, trong đó 40% bỏng sâu và bỏng hô hấp nặng.
Tại bệnh viện, các bác sĩ hồi sức chống sốc tích cực. Khi người bệnh qua cơn nguy kịch, ekip tiếp tục phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ lớp da thịt hoại tử sớm, sau đó che phủ vùng da tổn thương bằng da tự thân, da đồng loại và các vật liệu khác. Bệnh nhân bỏng sau đó được băng ép trắng quấn kín người, nhằm giảm phù nề và cải thiện quá trình lành vết thương.
“Lúc mới nhập viện, không ai nghĩ bệnh nhân sống được, song đến nay sau hơn 2 tháng điều trị tích cực, vết bỏng gần như khỏi”, Đại tá, tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hùng - Chủ nhiệm khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bỏng Quốc gia nói.
Theo bác sĩ Hùng, đặc trưng của bệnh nhân nằm khoa Hồi sức đều trẻ, bị tai nạn bỏng đột ngột, tình trạng thập tử nhất sinh. Thông thường, ca bỏng nặng phải điều trị khoảng 2-3 tháng, đối mặt với rất nhiều biến chứng, có thể tử vong.
Bác sĩ luôn “căng não”, theo sát bệnh nhân, giải quyết mọi vấn đề để cứu mạng người bệnh. Các biến chứng thường gặp là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Trường hợp nam thanh niên kể trên bị nhiễm khuẩn huyết 3 lần, trong đó hai lần nhiễm vi khuẩn và một lần nhiễm nấm. “May mắn người bệnh đã hồi phục, chỉ cần chờ ghép phần da hở là có thể tập phục hồi chức năng”, bác sĩ Hùng nói.
Điều trị bệnh nhân bỏng sâu diện rộng rất khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian kéo dài. Bác sĩ phải theo sát người bệnh từ khi vào viện đến lúc họ về nhà. Thậm chí, người bệnh ra viện vẫn phải điều trị di chứng, bác sĩ tiếp tục hướng dẫn và tiếp tục đồng hành cùng người bệnh.
Hiện tại, điều trị bỏng ở Việt Nam phát triển ngang hàng với các nước trong khu vực. Nhiều phương pháp điều trị bỏng tiên tiến như cắt hoại tử ghép da sớm, ghép da tự thân kết hợp đồng loại trong một lần phẫu thuật, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi và khí dung điều trị bỏng hô hấp, nuôi cấy tế bào da tự thân điều trị người bỏng sâu diện rộng giúp tỷ lệ bệnh nhân hồi phục cao.
Đ.K(T/h)