Tình hình sức khỏe 33 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm ở Quảng Ninh
Theo thông tin trên VOV, khoảng 11h ngày 27/3, sau khi ăn cơm trưa tại trường, một số học sinh của trường Tiểu học Quang Hanh (phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Nhà trường đã đưa 33/811 học sinh bán trú đến Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả để kiểm tra, theo dõi.
Sau khi kiểm tra, 33 học sinh này đều đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện, không có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng. Số học sinh bán trú còn lại ở trường đều có tình trạng sức khoẻ bình thường.
Lãnh đạo UBND TP.Cẩm Phả đã tới tại bệnh viện thăm hỏi các học sinh, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương có phương án đưa toàn bộ học sinh có biểu hiện bất thường liên quan đến bữa ăn đến cơ sở y tế.
Các phòng chuyên môn và đơn vị liên quan phối hợp xác minh, làm rõ nguyên nhân sự việc; tiếp tục theo dõi đối với các học sinh hiện tại ở trường để đảm bảo sức khỏe, ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh học sinh.
Vùng khuỷu tay trái sưng nề biến dạng sau khi bó thuốc nam
VTV Times đưa tin, nam bệnh nhân 81 tuổi đến Trung tâm Y tế Hạ Hoà (Phú Thọ) thăm khám do bị sưng nề, mất vận động cẳng tay trái.
Theo lời kể của người bệnh, trước vào viện khoảng 5 ngày, người bệnh bị ngã, bị trật khớp khuỷu tay trái. Người bệnh đã đến viện khám và được xử trí nắn chỉnh, cố định khớp khuỷu tay trái, được bác sĩ kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị, chăm sóc tại nhà, hẹn sau 2 tuần đến kiểm tra lại.
Tuy nhiên, khi về nhà, người bệnh đã nghe người quen "bó thuốc nam cho nhanh khỏi", không thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau 4 ngày bó thuốc, vùng khuỷu và cẳng tay, bàn tay trái sưng nề nhiều, mất vận động nên đã đến Trung tâm Y tế Hạ Hòa để thăm khám.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy: Vùng khuỷu tay trái của người bệnh sưng nề biến dạng, nắn đau nhiều, mất vận động. Cẳng bàn tay trái sưng nề nhiều, bầm tím, có nhiều nốt phỏng nước.
Sau khi thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán: Trật khớp khuỷu trái, nhiễm trùng vùng cẳng bàn tay trái sau bó thuốc nam. Người bệnh được chỉ định nhập viện để điều trị.
Bác sĩ CKI. Đặng Huy Lưu - Phó Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp - Gây mê hồi sức khuyến cáo, đây là một trong số rất nhiều những trường hợp bị chấn thương hay các bệnh lý cơ - xương - khớp không điều trị hoặc không tuân thủ điều trị ở các cơ sở y tế.
Không thể phủ nhận tác dụng của thuốc nam trong điều trị một số bệnh lý, tuy nhiên đối với các chấn thương xương khớp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian để tránh những biến chứng, rủi ro có thể xảy ra.
Cứu sống nữ sinh viên bị vỡ tim, đa chấn thương do tai nạn giao thông
Theo báo An Ninh Thủ Đô, chiều 27/3, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về ca bệnh đặc biệt vừa được các y bác sĩ của bệnh viện này cứu sống thành công sau gần 1 tháng điều trị tích cực.
Cụ thể, bệnh nhân là P.L.Q.N (nữ, 21 tuổi, sinh viên Đại học Mở Hà Nội). Tối 28/2, khi đi xe máy về nhà sau giờ dạy gia sư, nữ sinh gặp tai nạn va chạm với ô tô gây chấn thương nghiêm trọng, tính mạng nguy kịch. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, rồi chuyển ngay đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nữ bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Cấp cứu A9 của bệnh viện sau khoảng 1 giờ kể từ khi bị tai nạn. Lúc này, người bệnh đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đa chấn thương.
Chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân bị chấn thương ngực kín, theo dõi vỡ tâm thất trái, tràn máu ngoài tim, chèn ép tim cấp, xương sườn 2 bên gãy gần hết, theo dõi chấn thương sọ não, sốc mất máu, tràn máu, tràn khí màng phổi 2 bên.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi, sau đó tim có dấu hiệu đập lại nhưng huyết động rất yếu, da niêm nhợt trắng và được truyền 2 đơn vị máu tối cấp. Ngay khi bệnh nhân có tuần hoàn trở lại thì lập tức được chuyển vào phòng mổ.
Quá trình mổ, các bác sĩ ngoại tim mạch phát hiện bệnh nhân bị vỡ tim, lấy ra khoảng 1,5 kg máu cục, dịch máu. Trong ca mổ, các bác sĩ đã truyền gần 10 lít máu cứu bệnh nhân.
Các bác sĩ Trung tâm Gây mê hồi sức nhanh chóng đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, ven lớn, huyết áp xâm lấn, bù dịch và lĩnh máu cấp cứu. Các bác sĩ phẫu thuật thuộc khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, C8 - Viện Tim mạch khẩn trương mở màng phổi cấp cứu, cưa xương ức, mở màng tim, khâu cầm máu nhĩ phải, trái…
Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Hồi sức tích cực ngoại khoa (Trung tâm Gây mê hồi sức) tiếp tục theo dõi sát sao và điều trị tích cực.
Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không có di chứng thần kinh (dù có ngừng tuần hoàn). Chiều 27/3, nữ bệnh nhân đã được bệnh viện tổ chức lễ xuất viện. Các bác sĩ nhận định, sau này bệnh nhân hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, việc cứu sống ngoạn mục ca bệnh đặc biệt này là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa nhiều khoa phòng, trung tâm và nỗ lực của cả đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện. Mặt khác, điều may mắn là ca bệnh này đã được cấp cứu ngoại viện, cấp cứu tuyến đầu hiệu quả nên người bệnh mới có cơ hội được cứu sống.
Đinh Kim(T/h)