Cứu sống thanh niên 24 tuổi bị đâm thủng tim
Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhân Đ.G.H. (24 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị dao đâm thủng tim, theo tờ Tri Thức Trực Tuyến. Trước đó, ngày 5/9, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: Một vết thương ở vùng gian sườn IV phải kích thước 2 cm và một vết thương ở vùng sau lưng lệch trái kích thước 1 cm.
Bệnh nhân ở tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, da niêm mạc nhợt nhạt. Sau khi khám và siêu âm, các bác sĩ phát hiện khoang màng tim của bệnh nhân có nhiều máu đông và không đông, có dấu chèn ép tim cấp. Theo kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bị đâm thấu ngực trái, gây thủng tim.
Bệnh viện Đà Nẵng kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, người bệnh được chuyển vào phòng mổ cấp cứu để phẫu thuật. Sau khi mở ngực, kíp mổ phát hiện vết thương gây thủng tâm thất phải kích thước 1,5 cm đang phun máu.
Người bệnh được xử trí thương tổn trong vòng 30 phút. Nhiều giờ sau, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, huyết động ổn định, hiện đã đi lại và sinh hoạt bình thường.
Bé sơ sinh bị ngạt trắng do sa dây rau
Sản phụ N.T.T.T (27 tuổi), mang thai 37 tuần 5 ngày, nhập viện vào khoảng 4h25 ngày 4/7 trong tình trạng vỡ ối đột ngột, thai ngôi mông, bắt đầu có cơn co tử cung nhẹ, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống. Bước đầu thăm khám, TTƯT.ThS.BSCKII Bùi Xuân Quyền - Trưởng khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc phát hiện dây rốn của thai nhi bị sa ra ngoài âm hộ sản phụ khoảng 10cm, chẩn đoán sản phụ bị sa dây rau độ 3, sờ không thấy nhịp đập ở dây rốn, tim thai giảm xuống ở mức báo động, đập rời rạc dưới 60 nhịp/phút (nhịp tim thai nhi bình thường là 120-160 lần/phút).
Các bác sĩ hội chẩn nhanh, chỉ định mổ lấy thai, đây là ca suy thai cấp tính, cần cấp cứu tối cấp, nếu không mổ kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi. Được sự đồng thuận của gia đình, ngay lập tức, sản phụ được chuyển lên phòng phẫu thuật cấp cứu theo quy trình và phát báo động đỏ nội viện.
Sản phụ được tiến hành gây mê vào lúc 4h32, chỉ 8 phút sau, bác sĩ Quyền đã mổ lấy thai thành công, sản phụ an toàn. Tuy nhiên, ngay sau đó, em bé có tình trạng ngạt trắng toàn thân, trương lực cơ nhão, không nghe được nhịp tim, không thở, chỉ số Apgar 0 điểm. Đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất của ngạt ở trẻ sơ sinh, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ di chứng suốt đời hoặc tử vong là rất cao.
Bác sĩ Vũ Mạnh Dũng – khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc lập tức tiến hành hồi sức cấp cứu cho bé theo quy trình các bước chăm sóc thiết yếu sau sinh mà bệnh viện triển khai, kết hợp với kỹ năng chuyên môn và các phương tiện hỗ trợ.
Sau 3 phút, 5 phút rồi 10 phút, nhịp thở của bé vẫn rất thưa thớt, nhịp tim rời rạc, cánh cửa sinh tử vẫn cận kề. Dù vậy, các bác sĩ vẫn không từ bỏ, nỗ lực cố gắng hơn trong việc hồi sức cho bé, khoảng 30 phút sau cả ekip vỡ òa khi nhịp tim của bé tăng lên hơn 100 lần/phút, da toàn thân hồng trở lại, chỉ số Sp02 đạt 98,99%.
Sau đó, em bé được chuyển sang Trung tâm sơ sinh viện Nhi Trung ương để hồi sức sơ sinh những bước tiếp theo. Quá trình hồi phục của trẻ đã tiến triển tốt dần. Sau 2 tuần nằm viện, bé đã phát triển khỏe mạnh và được ra viện.
"Đây là trường hợp ít gặp, nguy hiểm, chỉ chậm 5 phút thôi là không thể cứu được thai nhi. Sản phụ nhập viện trong tình trạng dây rốn của thai nhi đã sa ra ngoài âm hộ, đe dọa tính mạng của trẻ. Sau hơn 1 giờ đồng hồ nỗ lực hết sức, chúng tôi đã mổ lấy thai thành công và cứu sống bé", bác sĩ Quyền chia sẻ về ca bệnh.
Đắp thuốc lá chữa bỏng, bé 5 tuổi nhiễm trùng, nhiễm độc
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, Nghi Lộc) bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, toàn bộ đều đắp thuốc lá và có mùi hôi.
Gia đình bệnh nhi kể, ngay sau khi trẻ bị bỏng, gia đình đã sơ cứu bằng nước lanh. Sau đó, qua lời giới thiệu của hàng xóm, gia đình đưa bệnh nhi đến chỗ thầy lang ở Diễn Châu để điều trị bằng thuốc lá. Thầy lang đã dùng thuốc lá xay nhuyễn đắp lên vết bỏng, đồng thời kê thuốc kháng sinh hàng ngày cho trẻ uống.
Tuy nhiên, sau 1 tuần đắp thuốc lá, bệnh tình trẻ không thuyên giảm, thể trạng trẻ yếu, nằm mệt, vùng bỏng không khỏi xuất hiện mủ kèm theo nôn ra máu, đi ngoài phân đen nên lập tức được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng nhận định trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc do xử lý sai cách. Ngay sau đó, bệnh nhi được truyền dịch, đạm, truyền máu kháng sinh, giảm đau, điều trị xuất huyết tiêu hoá, tắm điều trị bỏng, thay băng bỏng.
Bệnh nhi hiện tỉnh táo hơn, không còn nôn ra máu nhưng vẫn đang sốt cao (39,5 độ C) kèm rét run. Các bác sĩ tiếp tục duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi và chăm sóc bệnh nhi theo các phương pháp điều trị chuyên sâu, khoa học để chóng hồi phục.
Đinh Kim(T/h)