Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/3/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 8/3/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cảnh báo phomai nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam bị nhiễm E.coli
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc phát hiện sản phẩm phomai nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam nhiễm E.coli O157:H7.
Theo đó, sản phẩm tên VALENCAY AOC AFFINE HARDY 220G (raw goat cheese): 6 miếng/gói; Số lô và HSD: 10-25, 13/03/2019; Ngày chuyển hàng: 13/02/2019; Số lượng: 2 gói.
Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Bộ Công Thương để thông báo và đề nghị thực hiện kiểm soát đối với lô sản phẩm thuộc cảnh báo nêu trên. Trước thông tin như vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm nhiễm E.coli có tên và số lô như trong cảnh báo.
Loại bỏ u gan không cần phẫu thuật
Hệ thống đốt nhiệt u gan bằng sóng viba. Ảnh: Hà Nội Mới |
Bệnh viện K vừa đưa vào hoạt động hệ thống điều trị u gan bằng sóng viba. Đây là phương pháp an toàn cho người bệnh, xâm lấn tối thiểu.
Cùng với việc điều trị các khối u gan bằng sóng cao tần (RFA), việc đưa hệ thống đốt nhiệt u gan bằng sóng Viba (MWA) tại Bệnh viện K vào hoạt động là thêm sự lựa chọn cho người bệnh, bằng việc sử dụng sóng điện từ trong phổ năng lượng vi sóng (300 MHz đến 300 GHz) để tạo hiệu ứng đốt cháy mô.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, đây là phương pháp an toàn cho người bệnh, xâm lấn tối thiểu, nhiệt độ vùng đốt cao, ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tản nhiệt, không hóa than quanh kim, không cần miếng đối đất, không gây nhiễu màn hình siêu âm, kích thước vùng đốt có thể tiên đoán... nên thời gian hồi phục của bệnh nhân rất nhanh.
Phương pháp này có thể áp dụng trên phòng mổ, phòng thủ thuật cho những bệnh nhân có khối u gan có đường kính lớn nhất tới 6cm hoặc 3 khối u có đường kính dưới 3cm, hoặc các tổn thương gần mạch máu.
Cứu sống cụ ông 92 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: TTXVN |
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Giám đốc Trung tim Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), cho biết, ngày 5/3 cụ ông N.V.T. (92 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng đau thắt vùng ngực trái, vã mồ hôi và khó thở, cộng với tuổi cao sức yếu nên tiên lượng xấu.
Theo hồ sơ bệnh án, gia đình thấy cụ N.V.T than đau thắt vùng ngực trái, cảm giác bị bóp nghẹt trong hơn 10 phút nên đã đưa ông vào Bệnh viện Số 10 (tỉnh Hậu Giang) và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Xác định đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khẩn trương hội chẩn. Ngay sau đó, ê kíp do Thạc sĩ Trần Văn Triệu (Khoa Tim mạch) đã đặt stent vào động mạch vành của bệnh nhân N.V.T. Sau gần 1 giờ can thiệp đặt stent, tình trạng bệnh nhân ổn định, hết các triệu chứng đau ngực, vã mồ hôi, khó thở.
Nam thanh niên suýt liệt chi vì thoát vị đĩa đệm
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: Tiền phong |
Khuya ngày 1/3, nam bệnh nhân N.T.V (31 tuổi, ngụ ở Lâm Đồng, Đà Lạt) vào Bệnh viện Quốc tế City cấp cứu trong tình trạng yếu liệt 2 chân, không thể đi lại, người nhà phải cõng. Sau khi tiến hành thăm khám và thực hiện chụp MRI cột sống thắt lưng cho bệnh nhân, các BS phát hiện bệnh nhân V bị thoát vị đĩa đệm tầng L4-L5 dạng mảnh rời xuyên dây chằng dạng trung tâm – cạnh trung tâm bên trái, kích thước trước sau khoảng 16mm, ép bao màng cứng, chèn ép mạnh các rễ thần kinh chùm đuôi ngựa ngang mức tương ứng.
Nhận thấy tình trạng của bệnh nhân cần phải can thiệp ngay, sau khi tiến hành hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh của BV quyết định phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân trong 24 giờ kể để tránh nguy cơ liệt chi và liệt cơ vòng bằng phương pháp vi phẫu lấy khối mảnh rời, ở vị trí L4-L5.
TS.BS Huỳnh Hồng Châu, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Quốc tế City cho biết, trường hợp bệnh nhân N.T.V là tình trạng thoát vị đĩa đệm cấp với khối mảnh rời lớn, chèn ép chùm rễ thần kinh đuôi ngựa cần phải mổ cấp cứu trong thời gian 24 giờ kể từ lúc yếu liệt chân với hy vọng phục hồi cơ vòng 52%. Nếu để sau 24 giờ sẽ để lại hậu quả nặng nề như: tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, rối loạn cương dương không theo ý muốn, yếu liệt hai chân làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật thành công, bệnh nhân đã được theo dõi, chăm sóc tích cực và đến nay bệnh nhân gần như hồi phục gần như hoàn toàn, có thể đi lại nhẹ nhàng và đủ điều kiện sức khỏe để xuất viện.
Người nhà bệnh nhân N.T.V cho biết, khoảng một tuần trước khi nhập viện, anh V. thấy đau lưng nhưng vẫn đi lại sinh hoạt bình thường nên chủ quan chỉ mua thuốc uống. Đến sáng ngày 1/3 hai chi dưới bệnh nhân đột ngột tê, yếu, không thể đi lại. Sau đó, người nhà đưa anh V. đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng phải có người cõng.
Vũ Đậu(T/h)