Hoại tử toàn thân sau khi tự ý uống thuốc nam chữa sỏi thận
Theo thông tin trên VTC News, người phụ nữ 60 tuổi ở Hà Nội uống thuốc nam điều trị sỏi thận. 10 ngày sau bà thấy tổn thương da, đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình, sau đó nhanh chóng lan toàn thân.
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi - khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, người này tiền sử khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử di ứng thuốc.
Sau thăm khám người bệnh được chẩn đoán dị ứng thuốc thể ten (Toxic Epidermal Necrolysis), hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc sau dùng thuốc nam điều trị sỏi thận và chỉ định nhập viện điều trị.
Dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau.
Hoại tử thượng bì nhiễm độc là phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Người dị ứng thuốc thể nặng cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.
Bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu ngi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
Giật mình phát hiện giun dài 10 cm trong mắt người phụ nữ
Báo Người Lao Động đưa tin ngày 7/11, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho hay các bác sĩ Khoa Mắt của đơn vị này vừa gắp ra con giun dài 10 cm trong mắt một bệnh nhân nữ.
Trước đó, một người phụ nữ trú tại huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám với triệu chứng đau mắt, cộm, nhìn mờ. Quá trình tiến hành thăm khám, các bác sĩ phát hiện có một con giun trong mắt của người bệnh. Ngay sau đó, bác sĩ đã cẩn trọng dùng dụng cụ chuyên dụng và gắp con vật ra ngoài.
Theo các bác sĩ, tác nhân khiến người bệnh mắc giun, sán có thể từ đồ ăn, tay chân tiếp xúc với ấu trùng hoặc cũng có thể bị lây từ chó, mèo… Vì vậy để tránh nhiễm các loại giun, sán nói chung, người dân cần ăn chín, uống sôi. Vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống xung quanh, tẩy giun định kỳ và hạn chế tiếp xúc với chó, mèo…
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần đến bệnh viện ngay khi gặp các triệu chứng mờ mắt kéo dài không rõ nguyên nhân, tái đi tái lại, mờ mắt nhưng không đau, viêm đỏ hay cộm, ngứa, nhìn mờ...
Hai cháu bé ở Đồng Nai bị chó dại cắn
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 7/11, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã có báo cáo về trường hợp 2 cháu bé bị chó dại cắn. Đây là ổ dịch bệnh dại đầu tiên trên đàn chó tại TP.Biên Hoà tính từ đầu năm 2023 đến nay.
Trước đó, gia đình ông L.D.H. (tại Khu phố 2, phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà) có nuôi 2 con chó, chúng rất quấn chủ và thường chơi đùa với trẻ con trong nhà. Ngày 31/10, trong lúc chơi với chó, 2 bé L.D.M.V. và L.D.M.K. bị một con chó cắn. Sau khi phát hiện, cha mẹ của bé đã tiến hành xử lý bước đầu đối với vết thương của con đồng thời xích riêng con chó này để theo dõi.
Ngày 1/11, một trong 2 con chó của gia đình ông H. có triệu chứng bỏ ăn, sợ ánh sáng. Gia đình đã đưa con chó này tới phòng khám thú y trên địa bàn phường để điều trị. Tại phòng khám, con chó có các biểu hiện cào xé, cắn chuồng, rất hung dữ.
Đến sáng 2/11, con chó này chết nên gia đình và phòng khám thú y đã báo cho Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai đến lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại. Ngày 3/11, kết quả cho thấy con chó này dương tính với virus bệnh dại.
XEM THÊM: Hai cháu bé bị chó dại cắn khi đang chơi đùa
Theo ông H., cách đây 1 tháng, con chó này bị 1 con chó lạ cắn. Ngoài ra, con chó lạ này cũng cắn 2 người dân khác. Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định gần nhà ông H. có 9 hộ nuôi chó và đều thả rông nên nguy cơ lây lan bệnh dại là rất cao.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine ngừa dại đầy đủ, không thả rông chó mèo, khi thả chó cần rọ mõm theo quy định. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cào cần đi chích ngừa đầy đủ.
Đinh Kim(T/h)