+Aa-
    Zalo

    Hai cháu bé bị chó dại cắn khi đang chơi đùa

    (ĐS&PL) - Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn vừa có hai cháu bé ngụ tại phường Trảng Dài, Biên Hòa bị chó dại cắn.

    Theo báo Giao Thông, hai cháu bé bị chó dại cắn là L.D.M.V và L.D.M.K (ngụ khu phố 2, phường Trảng Dài).

    Cụ thể, ông L.D.H tại khu phố 2, phường Trảng Dài nuôi hai con chó, chúng rất quấn chủ và thường chơi đùa với các bé trong nhà.

    Ngày 31/10, V và K cùng chơi chung với chó và bị một trong hai con cắn. Phát hiện sự việc cha mẹ hai cháu đã xử lý vết thương ban đầu và xích hai con chó riêng ra để theo dõi.

    hai chau be bi cho dai can khi dang choi dua 1
    Hai cháu bé bị chó dại cắn khi đang chơi đùa. Ảnh minh họa.

    Đến ngày 1/11, một trong hai con chó của gia đình ông H có triệu chứng bỏ ăn, sợ ánh sáng nên gia đình đưa chó đến phòng khám thú y trên địa bàn phường để điều trị.

    Tại đây chó được nhốt trong chuồng và có biểu hiện cào xé, cắn chuồng, hung dữ.

    Đến sáng 2/11, con chó này chết nên gia đình và phòng khám thú y đã báo cho Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai đến lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại. Ngày 3/11, kết quả cho thấy con chó này dương tính với vi-rút bệnh dại.

    Ông H cho biết khoảng một tháng trước, chó của gia đình ông bị một con chó lạ cắn và con chó lạ cũng đã cắn hai người dân khác nên bị đánh chết.

    Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định gần nhà ông H có 9 hộ nuôi chó và đều thả rông nên nguy cơ lây lan bệnh dại là rất cao.

    Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin ngừa dại đầy đủ, không thả rông chó mèo và khi thả rông phải rọ mõm để đảm bảo an toàn.

    Làm gì để đẩy lùi bệnh dại?

    Theo số liệu trong Sách trắng với chủ đề Hướng tới một Đông Nam Á không còn bệnh dại do Boehringer Ingleheim công bố tại Hội nghị khoa học Thú y châu Á 2023, trong giai đoạn từ 2017-2021, mỗi năm, số người tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đã giảm 15% so với giai đoạn 4 năm trước.

    Tuy nhiên, từ năm 2021-2023, một số địa phương lại đang trở thành "điểm nóng" của bệnh dại. Ví dụ, tại Bến Tre, năm 2022, báo cáo của địa phương cho thấy có 12 người tử vong vì bệnh dại, tăng gấp đôi so với năm 2021.

    Theo các chuyên gia, một trong số những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt để kiểm soát bệnh dại đó là một số lượng lớn chó thả rông không được tiêm phòng. Cụ thể, chỉ 13/58 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm phòng dại cho vật nuôi đạt trên 70%.

    Ngoài ra, ước tính mỗi năm, khoảng 5 triệu chó mèo bị giết hại để lấy thịt. Việc buôn bán thịt chó, mèo cũng góp phần làm lây truyền bệnh dại ở Việt Nam bởi rất khó để kiểm soát tình trạng bệnh và lịch sử tiêm chủng của những con vật này.

    Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, các gia đình nuôi chó, mèo tại nhà cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ngoài ra, không thả rông vật nuôi, thả chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Bên cạnh đó, đối với trường hợp nuôi nhốt chó, cần phải có vùng nuôi chó rõ ràng, cách xa khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng.

    Với nạn nhân bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết xước, cần chú ý: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút. Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn i-ốt; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

    hai chau be bi cho dai can khi dang choi dua 2
    Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: Vietnamnet.

    Sau khi sơ cứu, cần khẩn trương đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình hình bệnh dại trong vùng.

    Theo ý kiến của các chuyên gia, bệnh dại hoàn toàn có thể được ngăn chặn thông qua các chương trình toàn diện bao gồm nhiều biện pháp như tiêm chủng, tuyên truyền giáo dục và giám sát chủ nuôi, vật nuôi. 

    Từ việc hiểu rõ thực trạng bệnh dại trong khu vực, việc hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, bác sĩ thú y, chủ nuôi và cộng đồng sẽ hiện thực hóa mục tiêu đẩy lùi bệnh dại ở Đông Nam Á, cải thiện sức khỏe cho con người và động vật. Tại Việt Nam, chính phủ đang đặt ra mục tiêu mục tiêu xoá bỏ tỷ lệ người tử vong do bệnh dại vào năm 2030 thông qua chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030, thông tin trên báo Vietnamnet.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-chau-be-bi-cho-dai-can-khi-dang-choi-dua-a598514.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan