Cấp cứu nam bệnh nhân 18 tuổi bị đâm thấu bụng
Tờ Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận một nam bệnh nhân 18 tuổi bị sốc mất máu do vết thương thấu bụng. Người đi cùng cho biết bệnh nhân bị vật sắc nhọn đâm vào bụng.
Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng sốc chấn thương nặng: Tiếp xúc chậm, vật vã, da niêm mạc nhợt, mạch nhanh và khó bắt, huyết áp không đo được, bụng chướng, có máu đông ở quanh quai ruột lộ ra trên thành bụng. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định đây là tình trạng rất nguy kịch, khả năng có chảy máu do tổn thương mạch máu trong ổ bụng.
Bệnh nhân được cấp cứu hồi sức, chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, truyền máu cấp cứu. Sau 15 phút hồi sức, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ cấp cứu, thăm dò và xử trí tổn thương ổ bụng. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện tổn thương như rách động mạch thận, tụy.
Người bệnh được phẫu thuật khâu nối mạch máu, cắt thân và đuôi tụy kết hợp với truyền hơn 5000 ml khối hồng cầu, sau đó đã tạm qua nguy kịch.
Bé sơ sinh chào đời với ruột nằm ngoài ổ bụng
VTV News đưa tin, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vừa tiếp nhận bệnh nhi L.M.Đ (2 giờ tuổi, con lần 1). Bé để thường đủ tháng tại trạm y tế, cân nặng 2,5kg. Sau sinh thấy ruột bé nằm hoàn toàn ngoài ổ bụng, gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ khoa Nhi tiến hành đánh giá sơ bộ tình trạng của bé, cho bé nằm lồng ấp kiểm soát thân nhiệt, vô khuẩn giữ ẩm ruột. Sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhi có ruột ngoài ổ bụng do khe hở thành bụng bẩm sinh và chỉ định mổ cấp cứu.
Tuy nhiên, do ổ bụng quá hẹp không có không gian để đưa ruột vào ổ bụng ngay lần mổ này, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật đặt túi Silo (túi đựng ruột tạm thời ngoài ổ bụng). Bệnh hiếm gặp, túi Silo không có sẵn và chi phí đắt, vì thế các bác sĩ đã quyết định tạo túi Silo từ những thiết bị sẵn có - từ túi dẫn lưu vô khuẩn.
Sau khi ca mổ được thực hiện thành công, bệnh nhi được chuyển về khoa Nhi hồi sức và nuôi dưỡng sau mổ. Túi Silo luôn được treo cao để ruột dần vào ổ bụng hàng ngày. Đến ngày thứ 12, khi không gian bụng của bệnh nhi đã đủ rộng để đưa ruột hoàn toàn vào ổ bụng, bệnh nhi được phẫu thuật tháo túi Silo, đưa toàn bộ ruột vào ổ bụng và đóng thành bụng.
Sau mổ, bệnh nhi diễn biến ổn định, ăn uống tốt, đại tiểu tiện bình thường. Bệnh nhi được cho ra viện và hẹn khám lại sau 3 tuần.
Bỏng nặng vì điện thoại đang sạc pin phát nổ
Chiều ngày 6/12, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (huyện Núi Thành) cho biết vừa cấp cứu kịp thời một bệnh nhân bị bỏng nặng do điện thoại phát nổ trong lúc vừa dùng vừa cắm sạc.
Theo báo Người Lao Động, vào 9h40 cùng ngày, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân N.M.T (17 tuổi, ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) trong tình trạng bỏng cánh tay, vùng mặt và đầu.
Sau khi được các y bác sĩ thực hiện sơ cứu, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, được chuyển đến khoa Ngoại Chấn thương để tiếp tục điều trị. Người nhà bệnh nhân kể, nguyên nhân khiến T. bị bỏng nặng là do điện thoại phát nổ khi T. vừa cắm sạc vừa sử dụng.
Đinh Kim (T/h)