Bé 8 tuổi chấn thương nghiêm trọng vùng bụng do ngã xe đạp
Theo báo Giao Thông, lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã cấp cứu, phẫu thuật và cứu sống bệnh nhi 8 tuổi, nhập viện trong tình trạng chấn thương nghiêm trọng vùng bụng do ngã xe đạp.
Trước đó, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi tiếp nhận ca cấp cứu với bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, da xanh, khó thở, niêm mạc nhợt, đau bụng nhiều vùng hạ sườn trái.
Các y bác sĩ xác định bệnh nhi có nhiều dịch tự do trong ổ bụng và hình ảnh siêu âm đường vỡ lá lách khá rõ. Bệnh nhi được chẩn đoán bị vỡ lá lách độ 5, đường vỡ khoảng 5cm, xuyên rốn lách, đứt cuốn lách.
Xác định mức độ tổn thương của bệnh nhi rất nghiêm trọng, có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời, các y bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu, hút ra khoảng 700ml máu từ ổ bụng. Đồng thời, truyền 2 đơn vị hồng cầu khối và 1 đơn vị huyết tương.
Sau gần 1 giờ thực hiện ca mổ, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức - Tích cực chống độc.
Bác sĩ Phạm Xuân Duy - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cho biết, nếu bệnh nhi đưa đến muộn và phẫu thuật không kịp thời thì sẽ dẫn đến mất nhiều máu, nguy hiểm đến tính mạng vì vùng tổn thương nằm ở bộ phận quan trọng của cơ thể. Hiện sức khỏe bệnh nhi dần ổn định, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo người nhà, trước đó, bệnh nhi cùng anh trai đạp xe đi chơi cùng nhau. Không may, cháu bé bị ngã xe dẫn đến đập mạnh vùng ngực và bụng vào cạnh bàn, đau nhiều ở vùng hạ sườn trái, không nằm được, thở mệt, nước da chuyển màu xanh tái nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Cấp cứu em bé mắc bệnh tim bẩm sinh bị khó thở khi đang trên máy bay
VietNamNet dẫn thông tin trên tờ NDTV cho hay, ngày 30/9, 20 phút sau khi chuyến bay của hãng hàng không Indigo cất cánh, phi hành đoàn bất ngờ thông báo khẩn cấp tìm kiếm sự trợ giúp y tế từ bất kỳ bác sĩ nào trên máy bay để cứu giúp một em bé 6 tháng tuổi gặp nạn.
Ngay lập tức Tiến sĩ, Bác sĩ Nitin Kulkarni, hiện là thư ký chính của thống đốc Jharkhand và bác sĩ Mozammil Pheroz từ Bệnh viện Sadar, Ranchi đã đến cứu đứa trẻ.
Tiến sĩ Kulkarni cho biết: "Mẹ cháu bé khóc nấc lên khi thấy con bắt đầu thở hổn hển. Tôi và bác sĩ Mozammil đã cùng phối hợp để cấp cứu cho cháu bé. Oxy được lấy qua mặt nạ cứu hộ của người lớn vì không hiểu sao không có mặt nạ trẻ em hoặc ống thông".
“Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ bệnh án. Em bé bị bệnh tim bẩm sinh. Rất may tôi mang theo thuốc tiêm Theophylline còn cha mẹ cháu mang theo một mũi Dexona. Điều đó thật sự vô cùng hữu ích", ông chia sẻ thêm.
Em bé đã có một số dấu hiệu cải thiện sau khi được tiêm oxy và nhịp tim được theo dõi bằng ống nghe. Theo Tiến sĩ Kulkarni, do thiếu máy đo oxy nên việc đánh giá tình trạng của bé trở nên khó khăn.
XEM THÊM: Nạn nhân bị thương nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội có thể tập vận động đi lại
Nam bác sĩ cho hay: “15-20 phút đầu tiên rất quan trọng và căng thẳng. Cuối cùng, may mắn là bé đã mở mắt bình thường và có tiếng nói”. Ông nói thêm rằng phi hành đoàn rất năng nổ và hỗ trợ nhanh chóng, các bác sĩ đã yêu cầu ưu tiên hạ cánh và hỗ trợ y tế đầy đủ khi đến nơi.
Chuyến bay hạ cánh lúc 9h25 và đội ngũ y tế đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ thở oxy cho em bé. Tiến sĩ Kulkarni nói rằng, họ rất vui và hài lòng với kết quả sau hơn một giờ nỗ lực của mình.
Bệnh nhi 8 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn trứng cá lá tre
VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình vừa tiếp nhận, cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhi bị sốc phản vệ do ăn trứng cá lá tre. Cụ thể, bệnh nhi V.Đ.K. (8 tuổi, trú tại Quảng Tùng, Quảng Trạch, Quảng Bình) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng nổi ban đỏ, môi tím, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.
Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhi ăn cơm cùng gia đình vào lúc 12h, trong bữa ăn đã ăn trứng cá lá tre, còn người nhà ăn thịt cá. Đến khoảng 14h cùng ngày, bệnh nhi có dấu hiệu nổi ban đỏ và khó thở nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3, được xử trí hồi sức tích cực tại khoa Nhi theo phác đồ. Đến 15h, bệnh nhi tỉnh táo, đỡ khó thở, bắt được mạch, đo được huyết áp. Hiện tại, bệnh nhi linh hoạt, da môi hồng, mạch rõ.
Các bác sĩ khuyến cáo nên cẩn thận khi cho trẻ ăn trứng cá, đặc biệt là những trẻ có tiền sử dị ứng. Khi phát hiện trẻ có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Đinh Kim (T/h)