Đi khám sức khỏe định kỳ, người đàn ông phát hiện có khối u gan
VTV News đưa tin, nam bệnh nhân 37 tuổi đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) dù cơ thể không có dấu hiệu bất thường nào. Khi tiến hành siêu âm ổ bụng, người bệnh được phát hiện khối u lớn ở gan kích thước 6x8cm. Sau khi làm xét nghiệm sinh thiết cho kết quả u gan lành tính.
Mặc dù chưa gây triệu chứng điển hình nhưng khối u lớn này có thể tiếp tục phát triển thêm gây chèn ép các tổ chức xung quanh, gây xuất huyết trong u hoặc xâm lấn các tổ chức lân cận.
Sau khi được hội chẩn và tư vấn, người bệnh đã được phẫu thuật cắt khối u gan. 9 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định và được xuất viện.
Theo ThS.BS Phạm Đức Tuấn, trường hợp của người bệnh trên là ví dụ điển hình cho thấy lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ. Bởi đã có không ít trường hợp, người dân chỉ đến khám khi có triệu chứng bệnh bất thường về sức khỏe.
Kết quả sau đó thường là tình trạng bệnh đã nghiêm trọng và cho kết quả là ung thư. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh và khó khăn cho quá trình điều trị.
Qua đây, các bác sĩ bệnh viện khuyến cáo người dân cần tiến hành khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần hoặc ít nhất mỗi năm một lần. Thông qua khám định kỳ, những bất thường về sức khỏe sẽ được phát hiện kịp thời. Bệnh lý được can thiệp sớm nên hiệu quả điều trị cao, hạn chế nguy cơ biến chứng, tiết kiệm chi phí điều trị.
Khi đi khám sức khỏe, các bác sĩ sẽ tư vấn cho mọi người về chế độ dinh dưỡng, điều chỉnh chế độ làm việc, thay đổi lối sống nhằm loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh, phòng tránh bệnh hiệu quả.
Rối loạn đại tiện, em bé được phát hiện mắc bệnh có tỷ lệ tử vong đến 80%
Theo thông tin trên VTV News, kể từ khi sinh ra đến nay đã được hơn 18 tháng tuổi, bệnh nhi A.P.V.H. luôn gặp vấn đề về rối loạn đại tiện. Việc đi đại tiện đối với bệnh nhi rất khó khăn, hầu như đều phải can thiệp mới có thể thực hiện được.
Gia đình kể, bệnh nhi đã được cho đi khám, uống thuốc, chủ yếu là men tiêu hóa các loại tại các cơ sở y tế. Gần đây, thấy bệnh nhi không thể tự đại tiện được kèm theo bị suy dinh dưỡng nặng nên đã đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thăm khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị phình đại tràng bẩm sinh hay bệnh Hirschsprung và được chỉ định phẫu thuật.
Được biết, bệnh phình đại tràng bẩm sinh hay bệnh Hirschsprung tình trạng bất thường trong sự phát triển hệ thống thần kinh ruột, đặc trưng bởi sự thiếu vắng tế bào hạch thần kinh trong đại tràng từ cơ thắt trong hậu trở lên.
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum phát hiện và điều trị cho 10 ca mắc bệnh này, trong đó trẻ sơ sinh, trẻ sinh non là những đối tượng hay gặp.
XEM THÊM: Bật mí mẹo giải rượu nhanh chóng đem lại hiệu quả cao
Bác sĩ CKII Trần Văn Hiền - Phó Khoa Ngoại tổng hợp cho biết, bệnh phình đại tràng bẩm sinh là bệnh ngoại khoa thường gặp với tần suất 1/5.000 trẻ sinh sống. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh này có tỷ lệ tử vong lên đến 80%.
Phình đại tràng bẩm sinh gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe như tắc ruột, đi tiêu không tự chủ, táo bón kinh niên, viêm ruột, suy dinh dưỡng và thậm chí là tử vong. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Hiện nay, can thiệp phẫu thuật là phương pháp duy nhất điều trị dứt điểm bệnh này.
Học chế pháo trên mạng, bé trai 14 tuổi bị bỏng vùng mặt, mắt
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay, các bác sĩ của khoa Bỏng - Chỉnh trực đang tích cực điều trị cho bé trai T.T. (14 tuổi, ngụ Gia Lai) bị vết thương ở vùng mặt, bàn tay phải vì chế tạo pháo.
Theo lời kể của người nhà, bé T. có tham khảo thông tin chế tạo pháo trên mạng, sau đó em đặt mua hoá chất rồi thực hành theo. Sự việc chỉ được phát hiện khi cả nhà nghe tiếng nổ lớn, T. được đưa vào cơ sở y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, ghi nhận bệnh nhi bị dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục. Bác sĩ Đinh Gia Khánh - khoa Bỏng – Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ, ngay khi nhập viện, T. được phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc, khâu vết thương và điều trị bỏng. Các y bác sĩ đã khẩn trương điều trị để giảm thiểu thương tổn do pháo nổ gây ra.
Bác sĩ CK1 Ngô Hồng Phúc - Phó trưởng khoa Bỏng – Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhấn mạnh, tự chế pháo nổ là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh.
Nhằm tránh những tai nạn do tự chế pháo gây nổ, bác sĩ Ngô Hồng Phúc khuyến cáo gia đình, nhà trường nên thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng, chế tạo pháo; giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian gần Tết khi xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà trên mạng xã hội.
Đinh Kim(T/h)