Người phụ nữ nhập viện sau khi uống thuốc "3 đời trị tiểu đường"
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, chiều 27/12, PGS.TS Trần Việt Hùng - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP.HCM, cho hay kết quả phân tích sản phẩm trị tiểu đường do Bệnh viện Thống Nhất gửi sang cho thấy dương tính với chất cấm phenformin. Hàm lượng phenformin có trong một viên hoàn là 25,85 mg.
Trước đó, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân Đặng Thùy T. (54 tuổi; ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đạu bụng và toan chuyển hóa rất nặng.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh - Phó Khoa Hồi Sức tích cực chống độc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bà T. nhập viện trong tình ngộ độc nặng sau khi uống thuốc trị tiểu đường, nghi ngộ độc phenformin. Ngay sau đó, bệnh nhân được hồi sức và lọc máu. Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khoẻ bệnh nhân dần ổn định và đã được xuất viện.
Bà T. nghe theo người quen mua thuốc giảm tễ "3 đời trị tiểu đường" về uống. Sau khi sử dụng được vài viên, bà bị ngộ độc, phải vào viện cấp cứu. Số thuốc bà sử dụng còn sót lại được Bệnh viện Thống Nhất chuyển tới Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP.HCM để phân tích, đánh giá.
Theo PGS.TS Trần Việt Hùng, phenformin là thuốc điều trị đái tháo đường nhưng không còn được cấp phép lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, do nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa, thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên, hiện nay phenformin vẫn bị sử dụng để trộn vào các chế phẩm y học cổ truyền lưu hành bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
XEM THÊM: Báo động mức sinh ở Việt Nam thấp "chưa từng có"
Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP.HCM khuyến cáo người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
Chiếc kèn nằm trong phổi bé trai gần 8 năm
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, Phòng khám khoa Tai Mũi Họng đã tiếp nhận một bé trai (SN 2008) đến khám vì lý do ho kéo dài đã chữa trị nhiều nơi không khỏi.
Khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 7-8 năm, trẻ ngồi ngậm kèn, thổi (kèn này lấy ra từ chiếc giày trẻ em), sau đó trẻ bị sặc nhưng không khó thở, tím tái. Từ đó đến nay, trẻ vẫn thở bình thường, không khó thở hoặc viêm phổi.
Cách nay hơn 1 tháng, trẻ ho nhiều hơn và người nhà đưa trẻ nhập viện. Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành nội soi gắp dị vật. Đây là một ca hóc dị vật khó và hy hữu vì đây là trường hợp dị vật nằm trong phổi quá lâu và rất sâu ở phế quản hạ phân thùy phổi bên phải.
Khi nội soi vào đường thở để xác định vị trí của dị vật, phẫu thuật viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận dị vật do dụng cụ nội soi không đủ độ dài để xuống sâu phế quản hạ phân thùy phôi, đồng thời mô hạt mọc rất nhiều tạo thành một khối mô chắc che dị vật.
Ngoài ra, máu chảy nhiều vào lòng đường thở gây không ít khó khăn cho việc quan sát của phẫu thuật viên cũng như cho việc gây mê. Ekip phẫu thuật vừa phải cầm máu, vừa ổn định gây mê, đảm bảo đường thở cho bệnh nhân rất nhiều lần để tiếp tục tìm cách tiếp cận dị vật qua nội soi.
Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật "4 hands" (2 bác sĩ sẽ phụ nhau cùng soi và gắp cùng lúc). Các bác sĩ đã lấy thành công dị vật ra khỏi đường thở trẻ ổn định và không còn chảy máu. Sau nội soi, trẻ có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại.
Nam sinh 12 tuổi bị đa vết thương, bỏng do đốt pháo
Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Bệnh viện Bà Rịa thông tin đơn vị vừa cấp cứu và phẫu thuật cho bệnh nhi N.Q.H., (12 tuổi, ở Phước Hải, Đất Đỏ) bị đa vết thương và bỏng do đốt pháo.
Trước đó, lúc 2h30 ngày 25/12, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận bệnh nhi H. trong tình trạng đa vết thương và bỏng vùng cổ, ngực, tay, chân do pháo nổ tự chế gây ra.
Được biết, khoảng 1h30 cùng ngày, bệnh nhi lấy bột cạo từ que diêm cho vào chai thuỷ tinh rồi lấy giấy đốt gây nổ. Các mảnh vỡ nhỏ bắn vào các mô mềm, đặc biệt là vết thương ở cổ nằm cạnh khí quản.
Do dị vật ở nhiều vị trí, Bệnh viện Bà Rịa đã phối hợp nhiều chuyên khoa như: Ngoại tổng quát, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng để phẫu thuật. Sau 4 giờ phẫu thuật, toàn bộ mảnh vỡ đã được loại bỏ khỏi cơ thể. Hiện, bệnh nhi tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, cử động tay chân, cổ bình thường. Các vết thương khô sạch, đỡ đau nhức.
Người nhà bệnh nhi kể, đây không phải lần đầu em đốt pháo tự chế. Em từng đốt pháo tự chế nhiều lần nhưng không gây ra tai nạn. Người thân đã nhắc nhở, khuyên nhủ em không được tự chế pháo nổ song em không nghe.
Đinh Kim(T/h)