Người đàn ông mắc hội chứng hiếm gặp sau khi đuổi theo xe buýt
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thông tin vừa phẫu thuật cấp cứu một trường hợp mắc hội chứng căng cơ hiếm gặp sau khi rượt theo xe buýt. Cụ thể, nam bệnh nhân 38 tuổi tên H. nhập viện cấp cứu trong tình trạng cẳng chân trái căng bóng và đau dữ dội, chạm nhẹ cũng đau. Khi vận động co duỗi các ngón chân và cổ chân, cơn đau tăng.
Buổi sáng trước đó, bệnh nhân gắng sức đuổi theo xe buýt cho kịp chuyến đi, cường độ vận động mạnh trong thời gian ngắn khiến cơ cẳng chân hoạt động quá sức. Áp lực tăng đột ngột gây tổn thương làm phù nề cơ khiến khoang bị chèn ép.
Báo Người Lao Động dẫn lời ThS.BS CKII Nguyễn Ngọc Tiệp – khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết đây là một hội chứng tổn thương khá hiếm gặp có tên là chèn ép khoang lô cơ trước sau vận động gắng sức.
Xét nghiệm cho thấy men cơ (Creatine-kinase) tăng cao chứng tỏ bệnh nhân đã có tình trạng hoại tử cơ. Bệnh nhân được mổ cấp cứu nhằm giảm áp lực khoang. Các nhóm cơ bị hoại tử được loại bỏ tránh nhiễm trùng. Nhóm cơ còn khả năng phục hồi được giữ lại để bảo tồn.
Bác sĩ Tiệp nói: "Nếu không phản ứng nhanh, men cơ sẽ tiếp tục tăng lên nhanh đào thải vào máu, hấp thu vào tuần hoàn chung. Điều này có thể gây suy thận cấp và hoại tử thận, suy đa tạng, thậm chí có thể tử vong. Có những trường hợp chèn ép khoang gây hoại tử diện rộng phải cắt cụt chi bị tổn thương để cứu tính mạng bệnh nhân".
Nôn ra máu do uống nhiều rượu bia
Theo VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết đơn vị điều trị bệnh nhân chảy máu tiêu hóa, nôn cả bát máu. Cụ thể, người bệnh L.V.T (55 tuổi, trú tại Yên Bái) vào viện ngày 28/1 vì lý do nôn ra máu do uống nhiều rượu bia, huyết sắc tố lúc vào 103g/l, sau đó tiếp tục giảm xuống 87g/l.
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh ở khoa Cấp cứu chia sẻ, nội soi dạ dày cho bệnh nhân cho thấy hình ảnh giãn vỡ tĩnh mạch thực quản độ III. Bệnh nhân đã được nội soi cầm máu, truyền máu, truyền dịch, kiểm soát rối loạn đông máu, sử dụng thuốc điều trị dự phòng giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định.
Người nhà bệnh nhân kể, ông T. nghiện rượu và luôn trong tình trạng nói lảm nhảm, đi lại run rẩy sau uống rượu. Dù đã được người nhà khuyên uống ít nhưng ông không nghe. Gia đình hoảng hốt khi người bệnh nôn cả bát máu tươi.
Xương cá đâm xuyên qua thực quản người phụ nữ
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, nữ bệnh nhân N.T.H. (53 tuổi, ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám ngày 31/1 do sưng đau vùng cổ trái.
Theo chia sẻ của người bệnh, cách thời điểm vào viện 1 tháng, chị bị hóc xương cá. Sau hóc, bệnh nhân nuốt đau nhói liên tục, ăn uống kém trong một tuần rồi hết đau. Bệnh nhân đi khám ở phòng khám không phát hiện thấy có dị vật.
Trước khi đến viện 10 ngày, bệnh nhân thấy sưng đau vùng cổ trái kèm sốt, không nuốt đau, ăn uống được nên mới tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ thấy có một khối sưng đau vùng cổ trước bên trái, đường kính khoảng 3-4 cm, nằm trong máng cảnh, không di động theo nhịp nuốt.
Người bệnh được chẩn đoán xác định có khối áp xe cạnh cổ trái do dị vật là xương cá hóc một tháng trước gây ra. Bác sĩ Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho hay, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rạch qua da vùng cổ ngang nếp lằn cổ trên dài khoảng 5 cm, bóc tách đến bờ trước cơ ức đòn chũm, vén cơ ra ngoài thấy một khối xơ viêm khoảng 2cm, bóc tách khối xơ viêm, kiểm soát bó mạch cảnh vì nghi ngờ khối xơ dính với bó mạch lớn.
Khi đã kiểm soát được mạch máu và thần kinh, kíp phẫu thuật quyết định mở khối xơ tìm dị vật. Trong khối xơ có một ít mủ và tổ chức hoại tử, bóc tách dần từng lớp thì cuối cùng thấy một xương cá mảnh, dài khoảng 2cm. Tiếp đó, kíp phẫu thuật làm sạch hốc mổ và đóng lại, đặt dẫn lưu.
Theo bác sĩ Thắng, khi chụp phim cắt lớp để xác định dị vật thì thấy dị vật nằm ở trong khối xơ viêm, dị vật đã đâm xuyên qua thực quản và ra nằm ở cơ ức đòn chũm, sát vào bó mạch cảnh trái. Do vậy, khi phẫu thuật cần hết sức cẩn thận, phải kiểm soát được các mạch máu lớn, tránh gây biến chứng nghiêm trọng.
Đinh Kim(T/h)