+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2019: Người đàn ông suýt mất mạng vì ăn đuông dừa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 25/11/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 25/11/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Người đàn ông suýt mất mạng vì ăn đuông dừa

    Người đàn ông 32 tuổi suýt mất mạng vì ăn đuông dừa. Ảnh minh họa 

    Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận trường hợp cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân nam 32 tuổi, ngụ tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa.

    Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long trong tình trạng tím toàn thân, mẩn nổi khắp người gây ngứa, mạch nhanh, huyết áp không đo được.

    Ngay khi tiếp nhận và tiến hành thăm khám kỹ lưỡng, khai thác quá trình bệnh lý, các bác sĩ chẩn đoán người này bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa. Bệnh nhân được khẩn trương tiến hành cấp cứu, chống sốc.

    Các bác sĩ cho biết đuông dừa là loại côn trùng họ bọ vòi voi, sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á. Ấu trùng của loại bọ này thường sống ở thân cây dừa, cây cau, cây chà là...

    Tuy nhiên, trong đuông dừa có chứa chất gây dị ứng. Ngoài ra, một số bào tử nấm độc từ môi trường bên ngoài có thể nhiễm vào đuông dừa. Các bào tử này trở thành nấm có độc tính cao khi vào cơ thể con người.Hiện nay, ấu trùng này được xem là món ăn đặc sản khoái khẩu và được chế biến với nhiều món khác nhau nhờ giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng đạm. Cứ 100 gram đuông dừa cung cấp 13 gram protein, canxi, muối khoáng,…

    Biểu hiện của dị ứng sau khi ăn đuông dừa là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc ngứa khắp người. Người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở. Ở thể nặng, nạn nhân có thể sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

    Các bác sĩ khuyến cáo khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc côn trùng, nếu nạn nhân còn tỉnh táo, có thể tự gây nôn. Trường hợp nặng, khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện của nạn nhân. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.

    Để đề phòng ngộ độc do ăn con đuông nói riêng, côn trùng nói chung, mọi người không nên ăn côn trùng lạ hoặc chưa từng ăn. Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi thưởng thức các món ăn này.

    Gần 1.200 người nghi bị nhiễm HIV do bác sĩ dùng chung dụng cụ phẫu thuật


    Bác sĩ dùng chung dụng cụ phẫu thuận, gần 1.200 người nghi bị nhiễm HIV. Ảnh minh họa  

    Bệnh viện thông báo họ đã bị nhiễm các loại virus HIV, virus viêm gan B và viêm gan C, nghi do các bác sĩ không khử trùng các dụng cụ phẫu thuật đúng cách. Các bệnh nhân này từng thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện Goshen trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay.

    Giới chức Mỹ đang điều tra nguyên nhân bệnh viện lại chậm trễ trong việc thông báo đến bệnh nhân.

    Hiện bệnh viện Goshen khuyến khích các bệnh nhân xét nghiệm máu lại và thực hiện phác đồ điều trị của các bác sĩ sớm nhất có thể.

    Căn bệnh khiến bạn có nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần người khác


    Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Ảnh minh họa 

    Bác sĩ Trương Quang Việt, Phó Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

    Hiện nay, tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng, theo thống kê, tại nhiều địa phương tỷ lệ mắc trong nhóm đối tượng trên 40 tuổi chiếm 40%. Trong 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp.

    Mặc dù vậy, tỷ lệ được quản lý, theo dõi và điều trị còn rất thấp, chỉ chiếm 30% số người bị tăng huyết áp. Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người trong số họ không biết mình mắc bệnh.

    Theo điều tra của Hội Tim mạch học Việt Nam, khoảng 48% người Việt Nam trưởng thành trong diện điều tra mắc bệnh tăng huyết áp. Nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp. Do đó, không ít trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.

    Theo TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, người bị tiểu đường dễ bị biến chứng tăng huyết áp. Trong khi đó, nếu bị tăng huyết áp, người bệnh có nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp 3 lần người khác. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh tăng huyết áp còn có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu, suy thận…

    Theo GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ, tăng huyết áp dễ phát hiện. Chỉ cần đo huyết áp sẽ biết được bệnh, tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại không biết được con số huyết áp của mình. Vì vậy, cần khám sức khỏe định kỳ, lưu ý về thông số huyết áp của mình kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể dục điều độ.

    Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy bị cảnh báo ở nhiều địa phương


    Thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được nhiều đơn vị cảnh báo về tác dụng phụ. 

    Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, ngày 24/11, ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, xuất phát từ phản ánh, đề nghị của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và các bệnh viện trên địa bàn, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chấp thuận việc thay thế thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (sản xuất Ba Lan) ngay từ tháng 4/2019. Sở Y tế TP Cần Thơ là đơn vị đấu thầu cung cấp thuốc này cho các bệnh viện trên địa bàn.

    Theo đó, 4/2019, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chấp nhận việc thay thế thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy bằng một loại thuốc khác.

    Công văn nêu rõ, trong quá trình sử dụng thuốc trúng thầu Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy tại một số địa phương như: Long An, Bến Tre và Cần Thơ... thì hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây ra sốc, co giật. Thông tin trên được báo cáo từ Hội Gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ.

    Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đủ thuốc kịp thời trong điều trị, Sở Y tế TP.Cần Thơ, chủ đầu tư chấp thuận theo đề nghị (Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1, đơn vị cung ứng thuốc) được thay thế thuốc trúng thầu Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy bằng thuốc Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml. Thuốc này được sản xuất tại Pháp và có thành phần công thức giống nhau, cùng chỉ định điều trị và cùng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật của nhóm 1 generic.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-25112019-nguoi-dan-ong-suyt-mat-mang-vi-an-duong-dua-a302066.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan