Cụ bà 72 tuổi bị ngưng tim vì tự ý bỏ thuốc điều trị đái tháo đường
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin, vừa qua đã cấp cứu thành công cho người bệnh bị ngừng tim sau khi dừng uống thuốc điều trị đái tháo đường, theo báo Sức Khỏe & Đời sống.
Cụ thể, bệnh nhân H.T.S (72 tuổi, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tình Thái Nguyên) bị mắc bệnh đái tháo đường từ năm ngoái. Hàng ngày, bệnh nhân vẫn sử dụng thuốc điều trị được lấy tại bệnh viện tuyến huyện nhưng thời gian gần đây, khi thấy người mệt mỏi, bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc.
Sau 1 tuần ngừng thuốc, bệnh nhân bị sụt cân, mệt nhiều, khó thở. Gia đình đưa bệnh nhân vào viện và có diễn biến chuyển nặng rất nhanh, bị toan chuyển hóa nặng sau đó ngừng tim, phải đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục.
Được biết, đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dừng thuốc có thể gây ra những hệ quả đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Theo các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khoa vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng nặng do người bệnh tự ý bỏ hoặc giảm liều thuốc, tình trạng ngừng tim như của bệnh H.T.S thi thoảng các bác sĩ vẫn gặp.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nói chung, người bệnh đái tháo đường nói riêng cần kiểm soát tốt chế độ ăn, dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ và có máy thử đường huyết để thử khi cần thiết.
Khi thấy dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, sút cân …, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra hoặc thông báo với bác sĩ điều trị để có tư vấn và điều chỉnh phù hợp. Không nên trì hoãn hoặc tự ý mua thuốc không có chỉ định vì dễ làm bệnh nặng hơn, nhanh chóng rơi vào nguy kịch.
Người phụ nữ 28 tuổi nguy kịch vì ngộ độc lá ngón
VTV News đưa tin, bệnh nhân S.T.S. (28 tuổi, trú tại xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh trong tình trạng nguy kịch, đồng tử 2 bên giãn tối đa, khó thở độ bão hòa oxy 31%...
Qua thăm khám và khai thác tiền sử, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc lá ngón giờ thứ nhất. Kíp trực ngay lập tức thực hiện các biện pháp chuyên môn như bóp bóng có oxy 100%, đặt nội khí quản - thở máy, rửa dạ dày…, làm các cận lâm sàng cơ bản, dùng các thuốc theo phác đồ điều trị.
Sau hơn 12 tiếng, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định, các bác sĩ tiến hành cai máy thở, rút nội khí quản. Sau 5 ngày điều trị tiếp theo, bệnh nhân tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn trở lại bình thường và được xuất viện.
Bé trai 9 tuổi bị lệch cơ sau bó bột
Theo báo Người Lao Động, bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp - Bệnh viện 1A cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị bé trai N.T.G.B (9 tuổi, ngụ TP.HCM) bị lệch cơ sau bó bột. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chân trái yếu, lệch thấp hơn chân phải.
Khai thác bệnh sử, bố của bệnh nhi kể trước đó, bé bị gãy cẳng chân trái khi đá bóng trong trường. Bé được cấp cứu ở một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Tại đây, bác sĩ ban đầu dự kiến mổ nhưng sau đó, bé lại được bó bột và cho xuất viện.
Trong thời gian bó bột, gia đình vẫn cho bé đến tái khám, theo dõi định kỳ. Tuy nhiên sau 3 tháng tháo bột, bé không thể đi, đứng, vận động. Gia đình đã cho bé tập vật lý trị liệu ở nhiều nơi nhưng không cải thiện.
Tại Bệnh viện 1A, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị mất cân bằng cơ nghiêm trọng vùng thắt lưng, khung chậu và đùi. Điều này gây ra hiện tượng lệch vẹo cột sống thắt lưng, nghiêng lệch khung chậu, lệch vẹo khung xương. Do đó, dáng đi của bé bên ngắn bên dài, khớp gối trái cứng, các cơ phần đùi và hông trái yếu hẳn so với bên phải.
Phác đồ điều trị cho bệnh nhi được lập ra nhằm tái lập cân bằng cơ, giải quyết vấn đề cứng khớp gối và lệch vẹo khung chậu. Chỉ sau 3 buổi tập, bệnh nhi có cải thiện rõ rệt; sau 7 buổi điều trị, mức độ cải thiện lên đến hơn 70%. Theo liệu trình, sau 10-12 buổi điều trị, bé sẽ hoàn toàn trở lại bình thường.
Đinh Kim(T/h)