Nhóm bác sĩ vượt hơn 50km đường rừng tới giúp 2 sản phụ khó sinh
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 21/11, bác sĩ Lê Chiêu Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện vừa vượt hơn 50 km đường rừng tới 2 xã biên giới vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ 2 sản phụ người Bru - Vân Kiều có triệu chứng khó sinh.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch nhận được đề nghị xin hỗ trợ từ Trạm Y tế xã Thượng Trạch và Trạm Y tế xã Tân Trạch về việc 2 sản phụ chuyển dạ, co tử cung thưa, nước ối bẩn, chuyển dạ kéo dài, có dấu hiệu suy thai, tiên lượng đẻ khó.
Lãnh đạo bệnh viện nhanh chóng cử tổ cấp cứu với đầy đủ thuốc và trang thiết bị lên đường hỗ trợ. Sau hơn 2 giờ, xe cứu thương và cán bộ y tế bệnh viện có mặt tại Trạm Y tế xã Thượng Trạch.
Sau khi thực hiện thăm khám, đánh giá tình trạng sản phụ Y C., cán bộ y tế xin ý kiến cho sản phụ sinh tại trạm. Sản phụ Y C. an toàn, sinh bé trai nặng 3.500 gram, sau sinh mẹ con sản phụ sức khỏe ổn định.
Tổ cấp cứu tiếp tục đến Trạm Y tế xã Tân Trạch hỗ trợ sản phụ Y Đ. mang thai 38 tuần, chuyển dạ kéo dài, tiên lượng đẻ khó. Sau thăm khám, theo dõi, tổ cấp cứu nhận định sản phụ này có thể sinh tại trạm. Sau gần 1 giờ theo dõi, sản phụ Y Đ. sinh bé trai nặng 2.500 gram, sau sinh sức khỏe mẹ con sản phụ này ổn định.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch cho biết thêm, trường hợp của 2 sản phụ này cần xử lý ngay tại trạm, không thể chuyển tới bệnh viện vì tình trạng cấp cứu, quãng đường di chuyển xa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
Người đàn ông đột nhiên đau ngực, ngã quỵ khi đang làm việc
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho hay, các bác sĩ liên chuyên khoa vừa phối hợp khẩn cứu kịp ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp chỉ trong vòng 29 phút.
Bệnh nhân là ông N.V.A (59 tuổi, ở Bình Dương), đang làm việc thì đột nhiên đau ngực, vã mồ hôi, khó thở, ngã quỵ. Ông được cấp cứu tại bệnh viện địa phương trước khi chuyển viện đến TP.HCM.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân được xác định bị nhồi máu cơ tim cấp trên nền bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Can thiệp mạch để tái thông mạch máu nuôi tim.
Chỉ trong 10 phút, với sự hỗ trợ của hệ thống DSA cánh tay robot xoay 360 độ, siêu âm trong lòng mạch, dẫn đường đặt stent, bác sĩ CKII Huỳnh Ngọc Long, Thác sĩ, bác sĩ CKII Võ Anh Minh cùng ekip đã chụp mạch vành và đưa được dây dẫn luồn qua nhánh động mạch vành phải tái thông được tình trạng bị tắc hoàn toàn.
Theo bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng - khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân từ lúc đưa đến ngay cửa cấp cứu đến khi tái thông mạch máu tim chỉ trong vòng 29 phút - rút ngắn hơn 50% thời gian theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch thế giới (70 phút).
"Nhờ sự phối hợp chuyên nghiệp (các chuyên khoa cấp cứu, nội tim mạch, can thiệp mạch) cùng với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại đã giúp chúng tôi chiến thắng trong cuộc chạy đua với tử thần, kịp cứu bệnh nhân nguy kịch trong giờ vàng", bác sĩ Trọng nói.
Lọc máu liên tục cứu sản phụ bị sốc nhiễm khuẩn
Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên vừa tiếp hành lọc máu liên tục cứu sống sản phụ bị sốc nhiễm khuẩn. Cụ thể, sản phụ H.T.D. (trú tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) sinh con đầu tại nhà. Sau sinh, sản phụ chảy nhiều máu, kèm theo sốt, mệt nhiều, đau đầu, buồn nôn, nôn.
Sản phụ được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa điều trị và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên điều trị tiếp. Ngay khi tiếp nhận, sản phụ đã rơi vào tình trạng sốc, huyết áp: 80/40mmHg, SpO2: 90%, có dịch máu âm đạo, tiên lượng rất nặng.
Qua đánh giá ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ sốc nhiễm khuẩn hậu sản, chỉ định hồi sức tích cực khẩn cấp kết hợp nhiều phương pháp thở máy, lọc máu, an thần, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch.
Sau hội chẩn cùng khoa Phụ sản và phát hiện có vết mò đốt bên ngực trái, sản phụ được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn Ricketsia (sốt mò)/hậu sản thường đẻ tại nhà.
Bác sĩ Hồ Duy Khánh - khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, sản phụ vào viện trong tình trạng sốc nặng, suy tim, gan, phổi đều bị tổn thương, hậu sản đẻ thường tại nhà, nhiễm trùng tử cung.
Lúc đầu, các bác sĩ chỉ nghĩ sốc do nhiễm khuẩn hậu sản đẻ thường tại nhà, nhưng khi thăm khám có vết mò đốt ở ngực trái, các kết quả xét nghiệm và hội chẩn đa chuyên khoa thì xác định được nguyên nhân là sốt mò, tử cung bị nhiễm trùng.
XEM THÊM: Hé lộ những loại thực phẩm dễ khiến con trẻ bị dậy thì sớm, cha mẹ cần biết tránh hại con
Qua 19 ngày hồi sức tích cực, sản phụ đã thoát nguy kịch, các chức năng gan, thận, tim, phổi hồi phục trở về bình thường. Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sinh tại nhà vì có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra, khi sản phụ trở dạ nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Đinh Kim(T/h)