Cân não phẫu thuật cho cô gái nặng 155kg bị u buồng trứng
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho hay vừa phẫu thuật cho cô gái 24 tuổi nặng 155 kg bị u buồng trứng và tăng trọng lượng không ngừng.
Trước đó, năm 16 tuổi, cô gái đã nặng 100 kg. Đến năm 2021, phát hiện có khối u nang còn khá nhỏ, kích thước chỉ bằng quả trứng cút, không đau nên bác sĩ khuyên theo dõi định kỳ. Sau đó, cảm giác thèm ăn tăng nhiều hơn, bụng mập lên nhưng cô nghĩ do cơ địa béo nên không đi khám.
Đầu tháng 10/2023, bệnh nhân cân nặng càng mất kiểm soát với cân nặng 155 kg. Bác sĩ kết luận siêu béo phì (cấp độ IV, độ nặng nhất), đồng thời khối u tăng kích thước, to bằng quả bóng, buộc phải mổ.
Đánh giá đây là ca bệnh khó, trọng lượng "quá khổ", nhiều bệnh viện từ chối trước đó do những nguy cơ cao có thể xảy ra từ gây mê đến trong lúc mổ (cả nội soi và mổ hở), cắt u...
Các bác sĩ liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quyết tâm phẫu thuật cứu người với sự hỗ trợ cao nhất của trang thiết bị hiện đại hiện có cũng như chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án xử trí sự cố bất lợi. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật thành công. Các bác sĩ đã bóc ra khối u nang buồng trứng kích thước 15x15x15 cm.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa - Phó Khoa sản Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khoảng 50% phụ nữ có u nang buồng trứng được phẫu thuật tại đây có tình trạng tăng cân, song cân nặng xếp hạng siêu béo phì như trường hợp này là lần đầu tiên ghi nhận.
Người đàn ông hôn mê, phải thở máy do mắc viêm não Nhật Bản
Theo TTXVN, ngày 20/11, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại huyện M’Đrắk. Đây là trường hợp thứ năm mắc bệnh này, tính từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, bệnh nhân là T.X.H (nam, 38 tuổi, trú tại xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà, ngày 27/10, bệnh nhân có triệu chứng sốt, người mệt, có mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đến ngày 30/10, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Ngày 1/11, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp tục điều trị. Ngày 16/11, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, với tình trạng hôn mê, thở máy.
Theo điều tra, môi trường xung quanh nhà bệnh nhân có ao hồ, nước đọng, gần nhà có ruộng lúa. Nhà bệnh nhân có nuôi bò. Điều tra véc tơ truyền bệnh, lực lượng chức năng ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, Trạm Y tế xã Ea Riêng triển khai các biện pháp xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Được biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người. Bệnh gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiều biến chứng nặng nề, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.
XEM THÊM: Thiếu niên mắc bệnh “tâm thần” dù học giỏi toán: Dấu hiệu dễ dàng ai cũng có thể nhận biết
Ngành Y tế khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, người dân cần chủ động phòng, chống muỗi đốt, khi đi ngủ phải mắc màn; vệ sinh môi trường sinh sống, môi trường chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu; thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi; thực hiện tốt việc cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh…
Người phụ nữ nhập viện sau khi uống 60 viên paracetamol
VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị mới tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 23 tuổi nhập viện trong tình trạng nhịp tim nhanh, bụng chướng nhẹ, ấn đau vùng hạ sườn phải.
Khoảng 10 tiếng trước khi nhập viện, bệnh nhân này uống 60 viên paracetamol 500 mg tương đương 30g. “Đây là liều thuốc rất cao, gấp khoảng 30 lần so với liều thông thường trong một lần uống ở một người lớn”, bác sĩ Vân lo ngại.
Qua khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh ngộ độc cấp paracetamol, được điều trị tích cực bằng thuốc giải độc, truyền dịch. Sang ngày thứ hai, người bệnh vẫn suy gan cấp kèm rối loạn đông máu nặng, chỉ định truyền thuốc giải độc acetylsystein liều cao 200 mg/kg, đặt catheter lọc máu cấp cứu, thay huyết tương.
Sau 8 ngày, sức khỏe người bệnh dần ổn định, các chỉ số về mức bình thường. Hiện, nữ bệnh nhân này được khám thêm chuyên khoa thần kinh giúp điều trị ổn định tâm lý, dự kiến xuất viện trong một vài ngày tới.
Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen) tác dụng giảm đau, hạ sốt. Hiện, thuốc này thuộc danh mục không kê đơn nên người dân có thể dễ dàng mua thuốc tại bất kỳ cửa hàng nào.
Theo khuyến cáo, liều paracetamol đường uống ở người lớn trung bình 0,5-1 g/lần, 4-6 giờ/lần, tối đa 4g/ngày. Liều gây ngộ độc là 150 mg/kg.
Nếu dùng thuốc quá liều trong thời gian dài hoặc dùng thuốc với liều rất cao trong một hoặc vài lần có thể dẫn đến ngộ độc, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo nếu cần dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia, không uống quá liều quy định. Nếu có biểu hiện hoặc nghi ngờ ngộ độc paracetamol, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Đinh Kim(T/h)