Hơn 30 lần sốc điện cứu bệnh nhân bị “cơn bão điện học”
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết vừa cứu sống ca bệnh đặc biệt bị “cơn bão điện học” phải sốc điện đến hơn 30 lần. Cụ thể, bệnh nhân N.T.S (59 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trưa ngày 18/9 trong tình trạng nguy kịch, đau ngực dữ dội.
Bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường tuýp 2, có biểu hiện đau tức ngực 2 ngày trước đó nhưng không đến bệnh viện sớm. Tại Bệnh viện Thống Nhất, trong vòng 5 phút thăm khám, đo điện tim, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ở vị trí thành dưới, thất phải và thành sau thất trái khiến huyết áp của bệnh nhân tụt, mạch chậm dần.
Người bệnh nhanh chóng được chỉ định can thiệp nội mạch để tái thông vị trí mạch máu bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, khi chuyển đến phòng DSA, bệnh nhân bất ngờ bị rung thất, có nguy cơ tử vong ngay lập tức. Các bác sĩ nỗ lực sốc điện, hồi sinh tim phổi nhiều lần nhưng tình trạng rung thất vẫn lặp đi lặp lại.
PGS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nếu chờ cho bệnh nhân ổn định mới can thiệp thì không còn cơ hội. Với quyết tâm cứu người, ê-kíp liên chuyên khoa quyết định vừa sốc điện chuyển nhịp để xử lý khẩn cấp tình trạng rung thất, đồng thời vừa can thiệp đặt stent.
Sau hơn 5 phút chạy đua với tử thần với hơn 30 30 lần sốc điện, ê-kíp đã can thiệp thành công mạch vành, đặt 1 stent tái thông vị trí mạch máu bị tắc tạm thời giúp người bệnh qua được nguy kịch. Sau can thiệp, người bệnh tiếp tục bị nhịp nhanh thất, rung thất. Các bác sĩ tiến hành sốc điện, đồng thời sử dụng thuốc, bổ sung điện giải giúp phục hồi dần. Hiện bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được.
Nhiễm liên cầu lợn dù không ăn tiết canh, lòng lợn, không giết mổ lợn
Chiều ngày 19/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân mới phát hiện là ông N.T.M, làm ruộng, địa chỉ ở xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.
Chỉ hơn 1 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, người đàn ông 60 tuổi đã rơi vào tình trạng kích động, khó tiếp xúc, cứng gáy. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân y 103, kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với Streptococcus suis (liên cầu lợn).
Theo VietNamNet, trong vong 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, người bệnh không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Được biết, bệnh nhân là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình.
Bộ Y tế cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Do đó, để phòng bệnh, mọi người không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay, nên đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Bé 5 tuổi nhiễm trùng nặng do đắp thuốc lá trị bỏng
Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin, đơn vị này vừa điều trị thành công cho bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị nhiễm trùng nặng do điều trị bỏng bằng thuốc lá thầy lang, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Trước đó, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, biến chứng xuất huyết tiêu hoá. Ngoài ra, toàn bộ tổn thương bỏng đều đắp thuốc lá và có mủ, mùi hôi.
Gia đình kể, trước đó, trong lúc cả nhà ăn cơm, bệnh nhi vô tình làm đổ nồi nước dùng làm phở vào người gây bỏng diện rộng. Sau khi bị bỏng, gia đình sơ cứu bằng nước lạnh cho bệnh nhi, sau đó đưa bé tới thầy lang ở huyện Diễn Châu để điều trị bằng thuốc lá. Sau 1 tuần đắp thuốc nhưng không đỡ, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng nên gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được nhận định bỏng nhiễm trùng - nhiễm độc do xử lý sai cách. Ngay sau đó, bệnh nhi được truyền dịch, đạm, truyền máu, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, điều trị xuất huyết tiêu hoá. Đồng thời, bệnh nhi được nâng cao thể trạng, thay băng bỏng - đắp gạc tiên tiến hàng ngày, tắm điều trị bỏng 2 lần.
Sau gần 2 tuần nằm viện, bé đã tỉnh, ăn uống được, không nôn ra máu. Da, niêm mạc hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều, phổi không rales, bụng mềm, tổn thương bỏng toàn thân khỏi hoàn toàn, được xuất viện trong ngày 19/9.
Đinh Kim(T/h)