Người phụ nữ vỡ túi nâng ngực khi mang thai 5 tháng
Bệnh viện FV (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị thành công trường hợp thai phụ bị vỡ túi nâng ngực gây áp-xe và nhiễm trùng ngực khi đang mang thai, theo Người lao động.
Cách đây 8 năm, chị P. từng phẫu thuật thẩm mỹ ngực, nhưng chưa bao giờ đi khám kiểm tra định kỳ. Khi thấy vú sưng đỏ và căng đau cả tuần, thai phụ vẫn tưởng do cương tắc tuyến sữa, nên đã cố gắng đi trọn chuyến du lịch cùng gia đình rồi mới đến bệnh viện kiểm tra. Đến khi khám, bác sĩ cho biết cô bị vỡ túi nâng ngực và có dấu hiệu nhiễm trùng.
BS Nguyễn Thanh Vinh, Viện thẩm mỹ FV Lifestyle, chia sẻ lúc làm ngực chị P. đặt túi loại dung tích 253cc, phù hợp với cơ thể cô lúc đó. Tuy nhiên, lúc mang thai tuyến vú phát triển để tiết sữa gây ra tình trạng sữa đi ngược từ mô tuyến vú vào trong khoang túi ngực tạo thành một ổ áp-xe và một ổ đầy mủ nâu sậm do nhiễm trùng và gel silicone tràn ra từ túi ngực vỡ.
Các bác sĩ đã mổ lấy túi ngực ra, làm sạch ổ nhiễm trùng với áp lực âm hút dịch thay vì dùng kháng sinh. Hiện, ca điều trị thành công tốt đẹp, bảo vệ thai kỳ trọn vẹn cho chị P. cũng như bảo toàn chức năng nuôi con bằng sữa mẹ sau khi em bé chào đời.
Bé 7 tuổi bị ong vò vẽ đốt 40 nốt khi đang chơi trong vườn
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ sinh năm 2015 bị ong vò vẽ đốt khoảng 40 mũi ở vùng đầu, mặt, rải rác ở tay, chân và mông, theo Sức khỏe & Đời sống.
Qua lời kể của phụ huynh, khoảng 13h ngày 10/8, bệnh nhi và chị gái đang chơi trong vườn thì bị đàn ong vò vẽ gần đó vây đốt.
Ngay sau đó em đã được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ong đốt gây tổn thương đa cơ quan và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
ThS.BS Nguyễn Diệu Vinh, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em. Khi bị ong đốt, trẻ có thể bị tử vong do sốc phản vệ và biến chứng suy thận cấp sau đó.
BS Vinh khuyến cáo, khi bị ong đốt, người thân cần cẩn thận dùng nhíp lấy nọc ra khỏi da trẻ càng sớm càng tốt (nếu có). Phụ huynh không nên cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương, vì có thể làm lan tràn độc tố. Sau đó rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng, có thể dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh vết thương hằng ngày.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ xuất hiện các biểu hiện như: Vết ong đốt sưng đỏ nhiều; có nhiều hơn 10 vết đốt; trẻ bị ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ đốt; khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng...
Suy tim phù phổi vì món cháo ấu tẩu
Ngày 19/8, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho hay mới tiếp nhận nữ bệnh nhân vào viện do tình trạng ngộ độc ấu tẩu, theo Vietnamnet.
Gia đình cho biết bệnh nhân ăn cháo ấu tẩu tại nhà, sau khi ăn 30 phút chị này xuất hiện dấu hiệu tê miệng lưỡi, tê chân tay, buồn nôn và nôn, khó thở. Bệnh nhân được đưa vào y tế cơ sở điều trị không đỡ, chuyển bệnh viện tỉnh.
Lúc này, cô vẫn trong tình trạng tức ngực, khó thở, nhiều rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, rối loạn điện giải. Lập tức, bệnh nhân được thở oxy, truyền dịch, điều trị rối loạn điện giải, dùng thuốc trợ tim, chống rối loạn nhịp tim… Hiện bệnh nhân đã dần ổn định sau 3 ngày điều trị.
Củ ấu tẩu thường được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau do viêm khớp, viêm dây thần kinh… Do củ ấu tẩu có chứa nhiều độc tố nên việc chế biến này cần phải do những người có kinh nghiệm thực hiện, không nên tự ý sử dụng vì có thể sẽ gây ngộ độc.
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu ngộ độc như cảm thấy tê miệng và lưỡi, tê cóng đầu chi, rối loạn tiêu hóa, khó thở, co giật… thì người nhà nên đưa họ tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí.
Linh Chi(T/h)