1 người tử vong, 1 người nguy kịch sau khi ăn trứng cóc
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 1/12, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết vừa ghi nhận một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn trứng cóc khiến một người tử vong và một người nguy kịch.
Nạn nhân tử vong là K.C (19 tuổi), còn em R.C.S (17 tuổi, ngụ làng Klăh Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đang điều trị tại bệnh viện, đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó, khoảng 15h ngày 30/11, K.C, R.C.S và R.C.A (20 tuổi) đi làm ruộng, bắt một con cóc làm thịt, rồi lấy trứng hấp ăn. Khoảng 30 phút sau, hai người xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, khó thở… và được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Bệnh viện xác định bệnh nhân K.C tử vong ngoại viện, còn R.C.S nguy kịch do ngộ độc. Riêng R.C.A, do chỉ nếm một ít trứng cóc nên chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ và tự gây nôn, không đi bệnh viện.
Điều trị bệnh huyết khối cho người đàn ông 35 tuổi
VTC News dẫn thông tin từ Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho biết đang điều trị bệnh huyết khối cho người đàn ông 35 tuổi, ở Hà Nội.
Cách đây một năm, anh đến viện trong tình trạng chân chuyển màu tím, kèm cơn đau dữ dội, sau đó chuyển tê bì, mất cảm giác. Người này chia sẻ thường xuyên tập thể hình cường độ cao.
Thời gian dài xuất hiện triệu chứng sưng đau chân trái nhưng anh nghĩ do cường độ tập luyện cao gây ra. Chỉ đến khi chân chuyển màu và mất hẳn cảm giác, người đàn ông mới tá hoảng vào viện.
“Bệnh nhân được chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân bên trái. Thời điểm đến bệnh viện quá muộn, chân trái đã hoại tử hết phải cắt bỏ”, bác sĩ Mạnh nói.
Thời gian gần đây, người đàn ông 35 tuổi tiếp tục nhập viện khi xuất hiện triệu chứng đau ngực. Kết quả thăm khám cho thấy cục máu đông xuất hiện ở tĩnh mạch chân phải, tâm thất và động mạch phổi hai bên. Tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu phổi và tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Mạnh, bệnh nhân gặp phải tình trạng huyết khối nặng. Sau khi xuất viện vẫn phải tiếp tục theo dõi rất chặt vì nguy cơ luôn tiềm tàng. Bệnh nhân cũng cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
“Mặt trái của loại thuốc này là khi cơ thể bị vết thương hở sẽ chảy nhiều máu, lâu liền vì không đông được máu. Trường hợp dùng quá liều có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, xuất huyết não…", bác sĩ Mạnh nói.
XEM THÊM: Người đàn ông U60 phát hiện ung thư thận di căn sau khi có dấu hiệu đau lưng suốt 1 tháng
Được biết, huyết khối là bệnh mạch máu nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm, có biện pháp kiểm soát, điều trị thì có thể xử lý hiệu quả không để lại tình trạng nặng nề.
Triệu chứng ban đầu của huyến khối thường là mỏi chân bất thường hay chuột rút. Tình trạng này thường xảy ra ở một chân và hay gặp ở chân bên trái. Nếu xuất hiện triệu chứng chân bị phù thì huyết khối đã hình thành, bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết khối, một trong số đó là do tập luyện quá mức. Khi tập thể hình, chơi thể thao quá mức sẽ khiến các cơ, đặc biệt cơ chân phát triển mạnh và vô tình chèn ép tĩnh mạch sâu, cản trở máu từ chân đến tim, gây tổn thương và dần dần hình thành huyết khối. Nếu không được điều trị kịp thời, huyết khối lan dần lên trên sẽ rất nguy hiểm.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo, để tránh trường hợp đáng tiếc, khi có các triệu chứng bất thường, người dân cần đến cơ sở y tế, để được bác sĩ thăm khám và phát hiện bệnh, có phương án điều trị kịp thời, tránh để bệnh biến chứng nặng.
Bé 8 tuổi có vết thương phức tạp bàn tay do pin đồ chơi phát nổ
Theo thông tin trên báo Công An Nhân Dân, chiều 1/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thông tin về việc vừa tiếp nhận bệnh nhi L.H.M.A (8 tuổi, ở xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn) với vết thương phức tạp bàn tay do pin đồ chơi phát nổ.
Gia đình cho biết, bệnh nhi sử dụng pin cũ từ đèn lồng trung thu nối lại với nhau để chế tạo đồ chơi, không may trong quá trình đấu, nối pin với đồ chơi, một trong số cục pin đó đã phát nổ gây ra thương tích nguy hiểm. Ngay khi phát hiện, người nhà lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu.
Bệnh nhi được chẩn đoán vết thương phức tạp 2 bên bàn tay, đa vết thương phần mềm và gãy vỡ xương đốt bàn ngón 5 tay trái. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu xử lý vết thương, tạo hình lại bàn tay trái. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhi đã ổn định, tỉnh táo và đang được chăm sóc hậu phẫu.
Theo các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, hiện nay có nhiều trường hợp trẻ sử dụng, tái chế pin từ đồ chơi cũ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém và phát nổ dẫn đến những tổn thương hết sức nặng nề.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần lựa chọn đồ chơi có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho con. Đồng thời, cần hướng dẫn con chơi đồ chơi đúng cách, đặc biệt là những đồ chơi có sử dụng pin như ôtô, đèn lồng phát sáng…
Không để đồ chơi có pin ở gần những nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh. Nhắc con không được tự ý tái chế, chế tạo, đấu nối pin cũ để chơi, phòng tránh nguy cơ phát nổ dẫn đến những thương tích đáng tiếc, đe dọa đến tính mạng. Nếu đồ chơi hay pin cũ có dấu hiệu hư hỏng tốt nhất nên xử lý loại bỏ đúng cách.
Đinh Kim(T/h)