+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/12: Cụ ông 94 tuổi sốc phản vệ do bị muỗi đốt

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/12/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 1/12/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Cụ ông 94 tuổi sốc phản vệ do bị muỗi đốt

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận cụ ông 94 tuổi bị phản vệ độ II do muỗi đốt. Rất may, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu kịp thời. Hiện tại, cụ ông đã ổn định và xuất viện.

    Trước đó, vào 12h30 ngày 22/11, khoa Cấp cứu Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tiếp nhận nam bệnh nhân P.V.H (trú tại phường Nam Lý, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vào viện trong tình trạng tỉnh táo, khó thở, ngứa và ban đỏ nổi khắp cơ thể. 

    Ghi nhận tại khoa Cấp cứu, mạch của bệnh nhân 100l/p, huyết áp 150/90 mmHg, rales rít hai bên phổi. Ngay tức bệnh nhân được tiêm thuốc Adrenalin và chuyển khoa Hồi sức tích cực và Chống độc điều trị tiếp.

    Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản và nhiều lần dị ứng do muỗi đốt. Lần này, cách vào viện khoảng 30 phút, sau khi bị muỗi đốt, bệnh nhân xuất hiện rầm rộ các triệu chứng trên và được người nhà đưa ngay vào bệnh viện. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định và được các bác sĩ cho xuất viện.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1122023 cu ong 94 tuoi soc phan ve do bi muoi dot
    Bệnh nhân nhiều lần dị ứng do muỗi đốt. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

    Bác sĩ Lê Hồng Nhân - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên lạ như thức ăn, thuốc, côn trùng đốt... Bệnh nhân biểu hiện khác nhau tùy cấp độ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý nhanh và đúng ngay từ ban đầu.

    "Trường hợp bệnh nhân này là rất hiếm gặp và rất nguy hiểm khi bị phản vệ do muỗi đốt. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới có gió mùa, có nhiều nắng, lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao. Do vậy, muỗi sinh sôi nảy nở rất nhiều. Đối với những trường hợp như thế này, trong nhà, vườn tược cần loại bỏ chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước.

    Những chậu cây phát lộc trong nhiều gia đình lâu ngày không thay nước cũng có thể là nơi phù hợp để muỗi sinh sôi. Nếu xung quanh nhà có các ao, mương nước… thì phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat để rắc lên vùng có nước mỗi tuần 1 lần. Đặc biệt, khi nằm ngủ cần phải luôn luôn mắc màn vì khi bị muỗi đốt lại có nguy cơ phản vệ nặng hơn", bác sĩ Nhân chia sẻ.

    Có thói quen này, hai bệnh nhân phát hiện bị nang sán não

    VTC News đưa tin, các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, bệnh nhân đi khám vì đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân kéo dài. Kết quả chụp MRI sọ não phát hiện tổn thương dạng nang trong nhu mô não, dương tính với sán dây chó (Echinococus).

    Các bác sĩ chẩn đoán cả hai bệnh nhân bị nang sán não (cerebral hydatid cysts) do sán dây chó (Echinococus). Cả hai người chia sẻ có thói quen ăn tiết canh lâu năm. Hiện, người bệnh được dõi tại bệnh viện kết hợp dùng thuốc để giảm các nang sán.

    Được biết, nang sán thần kinh (Cerebral hydatid cysts or neurohydatidosis) tỷ lệ khoảng 2-3%, thường do sán dây chó giai đoạn ấu trùng gây bệnh ở người. Nguồn lây bệnh thường qua việc ăn uống thực phẩm, nước bị nhiễm trứng sán, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với chó và các động vật trung gian nhiễm bệnh.

    Triệu chứng nhiễm sán giai đoạn đầu thường mệt mỏi, ăn kém. Khi nang sán phát triển to biểu hiện tuỳ phụ thuộc vào vị trí của u nang và kích thước của chúng sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn mửa, co giật do tăng áp lực nội sọ và chèn ép não.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1122023 cu ong 94 tuoi soc phan ve do bi muoi dot1
    Hình ảnh sán làm tổ trong não của hai người bệnh. Ảnh: VTC News

    Việc chẩn đoán bệnh sán não thường không dễ, cần đến khám chuyên khoa, vì có thể chẩn đoán nhầm với u nang nội sọ là tổn thương lành tính. Nếu không phát hiện sớm, chủ quan với nang sán có thể phát triển to và chèn ép não.

    Đối với nang nhỏ chưa chèn ép não chỉ cần điều trị nội khoa, tẩy sán nhiều chu kỳ. Trường hợp kích thước nang to gây chèn ép não hoặc không đáp ứng với điều trị thuốc sẽ cần phẫu thuật.

    Để phòng sán, các bác sĩ khuyến cáo nên thực hành vệ sinh tốt, tẩy giun, sán định kỳ cho vật nuôi, rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi, ăn chín uống sôi, tránh ăn các loại tiết canh có thể là nguồn chứa ấu trùng giun sán tiềm ẩn.

    Bé sơ sinh mắc polyp lông ở vùng họng

    Theo VTV News, các  bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mắc polyp lông ở vùng họng. Được biết, bệnh nhi sinh mổ ở tuần 38, sau sinh khóc ngay, bú được 1 lần 20ml sữa. 2 giờ sau sinh, bệnh nhi xuất hiện cơn tím, được chuyển viện vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ cho thở oxy và chuyển nhập khoa Hồi sức sơ sinh.

    Khi hút dịch hầu họng, bệnh nhi kích thích quấy khóc, thấy có khối mềm lớn đẩy lên trên lưỡi. Dùng đèn soi nội khí quản kiểm tra thấy thành họng bên trái, phía trước thanh môn có khối mềm, hồng, di động, có thể chèn ép thanh môn.

    Ngày thứ 3, bệnh nhi được cắt u khẩu cái mềm. Gửi bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh là polyp lông (Hairy polyp).

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1122023 cu ong 94 tuoi soc phan ve do bi muoi dot2
    Polyp phủ ngoài biểu mô vảy phân tầng trưởng thành với các phần phụ của da, trong đó có cả tuyến mồ hôi eccrine, tuyến bã nhờn và nang lông. Ảnh: VTV News

    Polyp lông là khối u hiếm gặp và thường được tìm thấy ở vùng hầu họng. Polyp lông là những tổn thương không ác tính với khả năng phát triển hạn chế và chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, với tỷ lệ mắc cao hơn ở nữ giới.

    Tỷ lệ mắc polyp lông được báo cáo là dưới 1/40.000 ca sinh sống. Polyp lông là nguyên nhân hiếm gặp gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên, mặc dù hiếm gặp nhưng chúng được coi là khối vòm họng bẩm sinh phổ biến nhất.

    Các triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u. Thường biểu hiện bằng tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp hoặc khó ăn uống trong hoặc ngay sau khi sinh. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán bằng khám lâm sàng hoặc nội soi, có thể nhìn thấy khối polyp. Tuy nhiên, khối nhỏ có thể bị che khuất bởi ống nội khí quản và do đó không được phát hiện trên lâm sàng khi khám.

    XEM THÊM: Mắc bệnh cực hiếm gặp, người phụ nữ 34 tuổi bị gãy xương khắp cơ thể, thế giới chưa tới 100 ca

    Hiện nay, cơ chế bệnh sinh của polyp lông vẫn chưa rõ ràng nhưng có một số ý kiến có thể đưa ra. Một mặt, polyp lông được phân loại là u choristoma có thể bắt nguồn từ mô đa chức năng bình thường và chúng được tìm thấy dưới dạng khối không đều ở những vị trí khác với nơi chúng thường được tìm thấy. Mặt khác, polyp lông được coi là dị tật phát triển do sự hình thành phôi bất thường của cung mang thứ nhất và thứ hai.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-1-12-2023-cu-ong-94-tuoi-soc-phan-ve-do-bi-muoi-dot-a601750.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan